Thủ tướng Chính phủ: Khoa học là con đường ngắn nhất đi tới thịnh vượng
Để tạo sự bứt phá về công nghệ, quan trọng nhất là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư theo nghĩa về kinh phí cũng như nguồn lực và cơ chế chính sách để làm sao nhà khoa học có điều kiện, có tâm thế sẵn sàng cống hiến cho khoa học…
Ngày 7/6/2023, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 120 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng. Đây là số đại biểu đăng ký nhiều nhất từ đầu kỳ chất vấn.
ĐẦU TƯ ĐÚNG MỨC, TẠO ĐIỀU KIỆN THÍCH HỢP CHO NGHIÊN CỨU
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 5 năm qua, số đề tài sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được ứng dụng, bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực. "Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam đột phá về khoa học công nghệ, đặc biệt trong quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế.."?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho ngành và Bộ Khoa học Công nghệ với tỷ lệ 0,64% GDP.
Hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.
"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.
Theo ông, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Để tạo sự bứt phá về công nghệ, theo Bộ trưởng có nhiều giải pháp nhưng trước tiên và quan trọng là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư theo nghĩa về kinh phí cũng như nguồn lực và cơ chế chính sách để làm sao nhà khoa học có điều kiện, có tâm thế sẵn sàng cống hiến cho khoa học. Khẳng định năng lực của đội ngũ khoa học, người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ cho rằng, “nếu đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp thì sẽ phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học cũng như đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học”.
Băn khoăn vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn lực cho khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng thời gian qua Đảng và Nhà nước ta luôn dành nguồn lực lớn cho phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên việc sử dụng nguồn lực này như thế nào vẫn còn nhiều bất cập.
Trong gia đoạn 2016-2021, tổng kinh phí dành cho nghiên cứu chỉ khoảng 13% có nghĩa là khoản đầu tư cho các đề tài khoa học thì 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu; còn lại cho bộ máy, chi thường xuyên.
Về vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh tính đặc thù về tài chính của lĩnh vực khoa học và công nghệ. “Nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác. Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác lập lợi nhuận hiệu quả kinh tế nó phải ở trong tương lai”, Bộ trưởng nói.
QUAN ĐIỂM CHẤP NHẬN RỦI RO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược về phát triển khoa học công nghệ. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng cần có sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tuy nhiên, nhà khoa học còn băn khoăn về những cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học…
Thực tế đây là vấn đề được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm. Trả lời đại biểu vấn đề này, Bộ trưởng cho biết năm 2023, Bộ sửa thông tư về quản lý các công trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ đồng loạt, đảm bảo liên thông, đồng bộ. Bộ đã lập tổ công tác, các thông tư cơ bản hình thành. Vừa qua, 5 thông tư mới đã được ban hành để tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Nhiều quy định được bãi bỏ như: nhà khoa học là chủ nhiệm có các đề tài nghiên cứu khoa học mà nghiệm thu không đạt thì không được tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong hai năm tiếp theo.
“Chúng tôi rất quan tâm đến tính đặc thù, rủi ro, độ trễ của khoa học công nghệ". Ông Đạt nói và cho biết trước đây, nếu nhà khoa học nào không hoàn thành nhiệm vụ khoa học của mình sẽ không được đăng ký tiếp tục 2 năm sau đó và đơn vị chủ trì bị ảnh hưởng nhất định. Điều này khiến các nhà khoa học rất quan ngại, gây cản trở bởi nghiên cứu khoa học có thể thành công hoặc thất bại, thành công sớm hoặc muộn, nên cần tính đến tính đặc thù về rủi ro và độ trễ. Hiên nay quy định này đã được Bộ hủy bỏ.
Dẫn lời phát biểu của Thủ tướng về dự hội nghị 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về với nghành khoa học và công nghệ về việc phải chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học. "Tôi rất tâm đắc với câu nói của Thủ tướng: khoa học là con đường ngắn nhất đi tới thịnh vượng", ông Đạt nói và cho biết Bộ đang động viên các nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Do đó, Bộ trưởng mong muốn các cấp có thẩm quyền tin tưởng hơn nữa vào các nhà khoa học, giao thẩm quyền, cơ chế, chính sách thỏa đáng để họ phát huy năng lực và cống hiến.
Ông cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi thông tư 27 về khoán chi, đơn giản thủ tục mua sắm, thanh toán, giảm bớt hồ sơ mà các nhà khoa học, nhà quản lý hay phàn nàn là "nhiều khi hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học". Nếu khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm cuối cùng thì hồ sơ chỉ còn một nửa hoặc 1/3.
Bộ trưởng nói kinh phí, tài chính của lĩnh vực khoa học công nghệ cũng cần có đặc thù bởi nghiên cứu khoa học không thể chính xác như các hoạt động lao động sản xuất khác. Vì vậy, các cơ quan rất khó tính toán xây dựng định mức cũng như hiệu quả, lợi nhuận.
Đề cập vấn đề phát triển thị trường khoa học công nghệ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa phát triển. Đại biểu đặt vấn đề trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ và nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ đã ban hành nhiều quy định, thông tư thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ và mang lại nhiều kết quả, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào các ngành y tế, viễn thông, giao thông vận tải. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi ứng dụng.
Tuy nhiên, có một số chính sách chưa phát huy tác dụng, tiếp cận doanh nghiệp khó, dịch vụ đi kèm chưa hiệu quả, ngân sách hạn hẹp. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn, đặc biệt thúc đẩy chương trình tìm kiếm chuyển giao làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Về bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.
Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 ngày 17/10/2014, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Bộ trưởng cho biết, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc.
Thời gian tới, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định đảm bảo thông thoáng, chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.
Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn.