Thủ tướng chốt ngày khởi công 4 đại dự án giao thông vào giữa tháng 6
Ba dự án xây dựng đường bộ cao tốc liên vùng và dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh sẽ được đồng loạt khởi công trong hai ngày 17 – 18/6 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4260/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Chủ tịch UBND các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tổ chức khởi công các dự án đường bộ cao tốc.
Cụ thể, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng đồng ý khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vào ngày 17/6, trong đó điểm cầu khởi công chính là tại An Giang.
UBND tỉnh An Giang được giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng trong việc kết nối các điểm cầu khởi công theo hình thức trực tuyến.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng đồng ý tổ chức khởi công đồng loạt các dự án: đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột vào ngày 18/6, trong đó điểm cầu khởi công chính là tại TP. Hồ Chí Minh.
"UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải; UBND các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc kết nối các điểm cầu khởi công theo hình thức trực tuyến; hoàn thành các thủ tục, các điều kiện để tổ chức khởi công", Thủ tướng đề nghị.
Bộ Giao thông vận tải được giao phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các địa phương liên quan về thủ tục, điều kiện để tổ chức khởi công các dự án. Việc tổ chức các lễ khởi công các dự án phải đủ thủ tục, các điều kiện theo quy định và phải đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm.
Thông tin về 4 dự án, gồm 3 cao tốc trục Đông - Tây (cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột) và 1 dự án vành đai sắp được khởi công cụ thể như sau:
Một là, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng chiều dài khoảng 189,48 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m; giai đoạn phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17m.
Dự án có tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng được đầu tư từ ngân sách trung ương. Công trình được yêu cầu hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án được chia làm 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 dài 57,014 km do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài 37,42 km do UBND TP. Cần Thơ làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 3 dài khoảng 37 km do UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 4 dài 58,37 km do UBND tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản.
Hai là, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32,7km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8km) với quy mô 4 làn xe.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó, Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 1, Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2, Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 3.
Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là 21.935 đồng, trong đó, tổng mức đầu tư ba dự án thành phần lần lượt là: 5.632 tỷ đồng; 9.818 tỷ đồng và 6.485 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương) và nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030.
Dự án đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Ba là, dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài dự án khoảng 53,7 km, trong đó, đoạn tuyến trên tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 dài 16km, tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài khoảng 18,2 km, tổng mức đầu tư được duyệt 6.852 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản; dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km, tổng mức đầu tư được duyệt 4.964 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.
Bốn là, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34km. Trong đó, đoạn tuyến qua địa phận TP. Hồ Chí Minh dài 47,51km; tỉnh Đồng Nai dài 11,26km; tỉnh Bình Dương dài 10,76km; tỉnh Long An dài 6,81km.
Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h.
Quy mô giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) là 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và các địa phương.
Về kế hoạch khởi công dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải. Theo kế hoạch dự kiến, trong khoảng thời gian từ ngày 24/6 - 30/6, 4 gói thầu thuộc dự án thành phần 2.1 trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được triển khai tại 4 vị trí.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng chiều dài dự án gần 113 km và dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với bề rộng 17m; đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng.