20:24 26/02/2023

Thủ tướng: Hòa Bình nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng thiếu con đường chiến lược xứng tầm

Tiến Dũng

Thủ tướng chỉ rõ, cần tập trung cho đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội vừa khởi công, cùng với tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình để đưa Hòa Bình về gần hơn với Hà Nội, với cảng hàng không, cảng biển…; cao tốc Hòa Bình - Sơn La với hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể, đúng chuẩn cao tốc...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc - Ảnh: VGP

Chiều 26/2, trong chuyến làm việc tại Hòa Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tình hình, kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh chiều ngày 26/2.

Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hòa Bình, năm 2022 tỉnh đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 9,03% (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%, đứng thứ 24/63 cả nước); GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Lạm phát được kiểm soát. Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 6.400 tỷ đồng, tăng 14,2%.

Nông nghiệp phát triển khá; nông dân được mùa, được giá; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 51,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,1%; trong đó, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,73%, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 7,5%; tổng lượng khách du lịch tăng 98,5%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 18.400 tỷ đồng, tăng 2,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gấp gần 1,9 lần số doanh nghiệprúi lui khỏi thị trường.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, 55% xã đạt nông thôn mới; có 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Công tác quy hoạch được chú trọng; cải cách hành chính được quan tâm [chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 xếp thứ 26/63, tăng 28 bậc; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 36/63, tăng 17 bậc so với năm 2020].

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội. Công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt. Đời sống của người dân được nâng lên.

Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

QUY MÔ KINH TẾ CÒN NHỎ, KẾT CẤU HẠ TẦNG CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với báo cáo và các ý kiến tại cuộc làm việc, ghi nhận, biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình với những thành tích, kết quả phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng và các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hòa Bình như xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế chưa rõ nét. Thu ngân sách Nhà nước còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi.

Công nghiệp chế biến chế tạo chưa phát huy được vai trò là động lực tăng trưởng, còn phụ thuộc nhiều vào ngành điện lực. Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao chưa phát triển mạnh, chưa gắn với công nghiệp chế biến; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm.

Mặc dù tốc độ phát triển du lịch khá cao, nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Số doanh nghiệp hoạt động còn ít (hiện có khoảng trên 2.300 doanh nghiệp). Môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm được cải thiện (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp gần cuối, thứ 62/63 địa phương cả nước).

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ; tốc độ đô thị hóa chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác quy hoạch, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; chậm hình thành các khu, cụm công nghiệp mới; chưa thu hút được nhiều đầu tư ngoài Nhà nước.

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Một số di sản văn hóa phi vật thể, nét đẹp truyền thống có nguy cơ mai một. Đời sống nhân dân nhiều nơi còn khó khăn. An ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội tại một số địa bàn tiềm ẩn yếu tố phức tạp…

TIỀM NĂNG LỚN NHƯNG THIẾU CON ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC XỨNG TẦM

Thủ tướng nhấn mạnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp - Ảnh: VGP
Thủ tướng nhấn mạnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp - Ảnh: VGP

Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hòa Bình. Theo đó, Hòa Bình có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Diện tích tự nhiên gần 4.600 km2 (đứng thứ 33/63 địa phương trên cả nước); dân số trên 900.000 người (thứ 50/63) với 7 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3/4 dân số, đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số.

Có nhiều kho tàng văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc (có tới 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18.000 hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình"), tiêu biểu nhất là văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng như mo Mường, sử thi Đẻ đất đẻ nước...

Con người Hòa Bình giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ làm giàu cho quê hương, đất nước.

Hòa Bình cách thủ đô Hà Nội 80 km; có mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi (đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6, 12B, 21, 15A, 70B...) và đang tiếp tục hoàn thiện theo hướng hình thành trục vành đai kết nối qua Hòa Bình (trong đó có tuyến đường vùng liên kết Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La vừa được khởi công).

Tỉnh có hệ thống sông ngòi phân bố tương đối dày và đồng đều với nhiều sông lớn (sông Đà, sông Mã...). Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú, đa dạng; đất đai có độ màu mỡ cao, diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng lớn. Độ bao phủ rừng lớn (51%), có nhiều tiềm năng phát triển xanh.

Về du lịch, dịch vụ, tỉnh có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng (như suối khoáng Kim Bôi, Thung Nai, động thác Bờ, thung lũng Mai Châu, rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc...). Văn hóa các dân tộc đặc sắc, văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng (như cơm lam Hòa Bình, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần Mường, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu, mía tím...). 

Về công nghiệp, tỉnh có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - một trong những "công trình thế kỷ", biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp đang phát triển khá, hiện có 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với nhiều nhà máy trong và ngoài nước đầu tư. Tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản... Tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhất là đất sét, đá vôi, than đá...

Thủ tướng khẳng định, với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng, có thể nói tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện để trở thành địa phương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Hoà Bình vào ngày 22/3/2022.

Thủ tướng đặt vấn đề, Hòa Bình cũng là một tỉnh cửa ngõ Thủ đô như Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc..., từ khi đổi mới thì Hòa Bình so với các tỉnh này mức độ phát triển khác nhau như thế nào và tại sao?

Thủ tướng và các đại biểu cho rằng, Hòa Bình còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông Hòa Bình đã có cải thiện nhưng vẫn còn thiếu 1 con đường xứng tầm để kết nối với Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, các cảng hàng không, cảng biển...

"Khi nguồn lực có ít, thời gian có hạn, hạ tầng chiến lược cần được ưu tiên hàng đầu về lãnh đạo, chỉ đạo, thời gian, nguồn lực..., lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, những công việc, công trình mang tính chất 'đòn bẩy, điểm tựa', hiệu quả lan tỏa cao, chấm dứt đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng đánh giá cao các định hướng, mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ mà tỉnh đề ra, tập trung vào 4 đột phá chiến lược về quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.

CẦN TẬP TRUNG 3 TUYẾN ĐƯỜNG KẾT NỐI CHIẾN LƯỢC

Nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hòa Bình quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đặc biệt là Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với tỉnh vào ngày 22/3/2022.

Là địa phương còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, tỉnh phải hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành trước tháng 5/2023.

Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số. 

"Cần tập trung cho đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội vừa khởi công, cùng với tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình để đưa Hòa Bình về gần hơn với Hà Nội, với cảng hàng không, cảng biển…; cao tốc Hòa Bình – Sơn La với hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất có thể, đúng chuẩn cao tốc", Thủ tướng chỉ rõ.

Cùng với đó, tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiền năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. 

Thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, chú trọng phương thức đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là chế biến nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh gắn kết với công nghiệp chế biến, du lịch, nhất là những nông sản có thế mạnh. 

Triển khai hiệu quả chương trình "mỗi xã một sản phẩm - OCOP" (cả về thương hiệu, quy hoạch nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường). Xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Hạn chế tư duy chờ khách hàng đến với mình; đổi mới tư duy đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng tiềm năng. Nghiên cứu việc bán tín chỉ carbon.

Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Hòa Bình. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung xóa những vùng lõm về điện và sóng di động.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. 

Chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức nói không với tiêu cực, tham nhũng. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.