21:54 25/08/2024

Thủ tướng: Lâm Đồng còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá

Tiến Dũng

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực mà Đảng, Nhà nước đã xác định, Lâm Đồng cần tập trung thực hiện 3 đột phá mang tính đặc thù với địa phương để phát triển nhanh, bền vững...

Thủ tướng phát biểu tại sự kiện - Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu tại sự kiện - Ảnh: VGP

Chiều 25/8, tại thành phố Đà Lạt, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023, những tháng đầu năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo cụ thể tình hình, kết quả, làm rõ tồn tại, hạn chế và đề ra nhiệm vụ cho thời gian tới; lãnh đạo các bộ, ngành đã bổ sung, gợi mở, định hướng phát triển và các giải pháp cho tỉnh.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thời gian qua, ngoài những khó khăn, thách thức chung của cả nước, Lâm Đồng còn có những khó khăn, thách thức riêng, như đầu năm gặp hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; tháng 4, tháng 5 nhiều mưa lũ, sạt lở; một số tổ chức Đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật… Tuy nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt kết quả tích cực như các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra.

Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả, thành tựu rất cơ bản, Lâm Đồng còn những khó khăn, hạn chế, thách thức cần quan tâm tháo gỡ, xử lý, giải quyết.

Năm 2023, có 4/18 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch đề ra (tăng trưởng GRDP, cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tỉ lệ che phủ rừng). Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Năng lực cạnh tranh giảm sút so với trước; thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu đề ra; giải ngân vốn đầu tư chậm...

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng... còn những sai sót, bất cập; thiên tai diễn biến phức tạp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ BỨT PHÁ

Thủ tướng cho rằng trong giai đoạn tới, Lâm Đồng còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá.

"Lâm Đồng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, là trung tâm giao thương, đầu mối kết nối 03 vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung; kết nối với các thành phố lớn trong nước và quốc tế qua đường không", Thủ tướng nhấn mạnh.

Với diện tích xếp thứ 7 cả nước (9.781 km2), địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa là thế mạnh phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (hiện có hơn 66,8 nghìn ha, chiếm 20,3% đất canh tác); nguồn nước phong phú với mạng lưới sông, suối, hồ khá dày đặc; có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng (rau, hoa, cà phê, chè, sầu riêng, dược liệu, thủy sản nước lạnh…).

Lâm Đồng có tiềm năng phát triển du lịch lớn với thiên nhiên đẹp, nhiều thắng cảnh nổi tiếng (hồ Xuân Hương, thung lũng Tình yêu, đồi Mộng mơ, hồ Tuyền Lâm…); Đà Lạt là thành phố festival hoa, thành phố sáng tạo về âm nhạc, nhiều di sản kiến trúc. Văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc của 47 dân tộc, nhiều di sản văn hóa quý (văn hóa cồng chiêng; Mộc bản Triều Nguyễn; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang).

Tỉnh cũng có lợi thế phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản (bauxite, alumin, nhôm); đã hình thành 3 khu công nghiệp (Phú Hội, Lộc Sơn, Phú Bình).

Hệ thống giao thông của tỉnh khá thuận lợi, khá đồng bộ với khoảng 9.300 km đường bộ và đường hàng không với sân bay Liên Khương...

Lâm Đồng có nguồn nhân nhân lực khá dồi dào với dân số khoảng 1,33 triệu người; hệ thống giáo dục-đào tạo phát triển với nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề, viện nghiên cứu.

RÀ SOÁT LẠI CÁC MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ ĐỂ ĐẠT KẾT QUẢ CAO NHẤT

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong đó có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.

Từ đó, nỗ lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024 và cả nhiệm kỳ; các mục tiêu sẽ đạt được thì tiếp tục đẩy mạnh, cố gắng cao hơn, các mục tiêu chưa đạt được phải cố gắng nhiều hơn, phấn đấu đạt bằng được, các mục tiêu gặp khó khăn cần phải có giải pháp đột phá.

Cùng với 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nhân lực) mà Đảng, Nhà nước đã xác định, Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng tập trung thực hiện 3 đột phá mang tính đặc thù với địa phương.

Thứ nhất, đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp là hai lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn.

Thứ hai, đột phá phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí.

Thứ ba, dành thời gian nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, ưu đãi để huy động mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp để phát triển nhanh bền vững, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng.

Thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, nhất là phát triển 3 tiểu vùng động lực, 5 hành lang kinh tế..., tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển.

Cơ cấu lại, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng thương hiệu. Phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn với nhiều loại hình du lịch.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, con người Lâm Đồng; chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, để mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng thời, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để phát triển. Chú trọng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Về trách nhiệm các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chủ động, tích cực hỗ trợ Lâm Đồng trên tinh thần chia sẻ, cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi và Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể với các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành với thời hạn cụ thể để trả lời rõ ràng, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng liên quan dự án đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc-Liên Khương; dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa)-Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quy hoạch khoáng sản.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả".

 

Trước đó, trong chương trình công tác tại Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ tiếp nhận ủng hộ chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh; thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thung (trú tại Phường 9, thành phố Đà Lạt); chủ trì Hội nghị bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên.