17:00 15/02/2022

Thủ tướng nêu 8 nhiệm vụ để phát triển kinh tế hợp tác xã, khắc phục tình trạng "manh mún, tự phát"

Tiến Dũng

Thủ tướng đánh giá cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã còn rất lớn, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhđã nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thời gian tới để khu vực kinh tế này phát huy được dư địa và tiềm năng phát triển còn lớn, dẫn dắt các hộ cá thể nhỏ lẻ, khắc phục tình trạng kinh doanh "manh mún, chia cắt, tự phát".

TIỀM NĂNG, DỰ ĐỊA PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ RẤT LỚN

Tại hội nghị, các ý kiến nhận định sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã, đã có những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển hợp tác xã, nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực kinh tế tập thể đã có bước phát triển mới về chất và lượng, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã - cho biết đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.

Doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 13 đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, khung khổ pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã bước đầu có chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài và nhất là ngày càng khẳng định được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn hạn chế, bất cập. 

"Nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới được nâng lên những vẫn còn tâm lý e ngại tham gia hợp tác xã và kinh tế hợp tác. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm, đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương, còn nhiều đầu mối các cơ quan có chức năng về quản lý kinh tế hợp tác. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép.

Thủ tướng đánh giá cơ hội, dư địa, không gian, tiềm năng sản xuất, phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã còn rất lớn, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp. 

"Chúng ta có thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, thị trường quốc tế tiếp tục mở rộng với 17 FTA đã được ký kết và đàm phán. Đồng thời, chúng ta có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới tư duy, cập nhật tri thức mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị", ông phân tích. 

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh vẫn cần xác định những khó khăn, thách thức là nhiều hơn trong thời gian tới. Trong đó, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sẽ dẫn tới cạnh tranh, sức ép hết sức gay gắt.

8 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để phát huy tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này. 

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VGP

Thứ hai, tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Thứ tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư.

Thứ năm, xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Thứ sáu, tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm.

Thứ bảy, tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường…

Thứ tám, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã.

"Trong lúc khó khăn, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Do đó, phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp là rất quan trọng với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, tiếp tục thành lập và phát triển các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng đi là theo con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về định hướng sửa đổi Luật hợp tác xã, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn; tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc sửa đổi phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi ích các chủ thể tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nguồn lực…, mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc, ấm no của nhân dân,

Ông lưu ý, cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định xác định rõ về bản chất hợp tác xã; quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, như tổ hợp tác, liên đoàn hợp tác xã. Không can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng hợp tác xã. Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành hợp tác xã nhằm tạo động lực cho khu vực hợp tác xã phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thích ứng biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng tăng cường hậu kiểm, xây dựng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của chính các hợp tác xã. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể có hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết, các ý kiến tham luận tại hội nghị, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp hoàn thiện các báo cáo, dự thảo trình cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng