15:19 06/12/2021

Thủ tướng: Nội lực là cơ bản, ngoại lực là đột phá để phục hồi kinh tế

Vy Vy - Đức Long

Nói về việc triển khai các chính sách phục hồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng nội lực vẫn là yếu tố cơ bản của chiến lược lâu dài, có tính chất quyết định nhưng ngoại lực là yếu tố quan trọng cho đột phá về công nghệ, vốn và khoa học quản trị…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 ngày 6/12.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 ngày 6/12.

Sáng 6/12, Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội).

Phát biểu đồng chủ trì diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron.

“Chính vì vậy, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Song, cũng không nên sợ hãi, mất bình tĩnh”, ông nói.

CHỐNG DỊCH HÀNH CHÍNH TÁC ĐỘNG LỚN TỚI NỀN KINH TẾ

Theo Người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang chủ động chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, để tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.

Từ kinh nghiệm trong các đợt dịch qua, Thủ tướng nhận định 3 trụ cột chính trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay chính là cách ly, giải toả; tập trung xét nghiệm và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Trong đó, cách ly phải nhanh nhất, hẹp nhất, giải toả phải tốt nhất, các biện pháp điều trị áp dụng theo công thức “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc thực hiện các giải pháp chống dịch thời gian qua cho thấy không thể thiếu công nghệ trong công tác phòng, chống dịch. “Làm sao chúng ta có thể xử lý vấn đề an sinh xã hội, tiêm chủng của hàng chục triệu người dân trong thời gian ngắn nhất có thể. Đó là nhờ có công nghệ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết thời điểm trước đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam chưa có nhiều vaccine và thuốc chữa bệnh, nên buộc phải áp dụng các biện pháp, mệnh lệnh hành chính khắt khe. Kết quả khiến tăng trưởng kinh tế quý 3/2021 âm 6,17%.

“Chống dịch bằng biện pháp hành chính đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng đánh giá.

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ TIỀN TỆ KHÔNG XUNG ĐỘT

Vì vậy, hiện nay, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Phục hồi hay phát triển kinh tế thì nội lực vẫn là yếu tố cơ bản chiến lược lâu dài có tính chất quyết định nhưng ngoại lực sẽ là yếu tố quan trọng cho đột phá”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong đó, nội lực là con người, thiên nhiên, văn hóa và truyền thống, lịch sử. Còn ngoại lực là hỗ trợ quốc tế, công nghệ, tiền vốn, khoa học quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Đặc biệt, Việt Nam sẽ chú trọng sự đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là khi hạ tầng giao thông và hạ thầng viễn thông vẫn còn những vùng lõm”, Thủ tướng nêu rõ.

Về việc sử dụng công cụ về tiền tệ và tài khóa trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng khẳng định chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ gắn chặt với nhau, thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau, không xảy ra tình trạng xung đột, mâu thuẫn.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, giữ vững ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Đặc biệt, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng cho rằng khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định vững chắc, niềm tin người dân, nhà đầu tư tiếp tục được giữ vững, tăng cường củng cố... Tuy vậy, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần tầm nhìn, hành động, cách làm đặc biệt.

“Tình hình nào thì quan điểm mục tiêu giải pháp đi theo tương ứng. Trước những diễn biến phức tạp thì cần có những giải pháp linh hoạt, thích ứng tình hình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

GÓI HỖ TRỢ CHƯA ĐỦ BAO PHỦ NGƯỜI DÂN 

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam

"Không chỉ y tế, đại dịch Covid-19 cũng gây ra khủng hoảng về kinh tế, ảnh hưởng tới nhiều người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, đặc biệt giai đoạn nửa cuối năm.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này vẫn chưa đủ rộng, chưa đủ lớn để bao phủ toàn bộ đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bởi cách ly.

Khảo sát do UNDP và Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tháng 9/2021 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo trước đại dịch là dưới 10% nhưng đã tăng lên 33% trong đại dịch. Trong khi đó, khoảng 90% người được khảo sát vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ đã được phê duyệt từ tháng 7/2021.

Trong nghiên cứu mới giữa UNDP và Bộ Ngoại giao cũng cho thấy các chương trình hỗ trợ hiện nay còn thấp vì chưa bao trùm lao động di cư, lao động tự doanh, lao động phi chính thức. Vì vậy, cần phải đẩy nhanh các chương trình hỗ trợ để đảm bảo mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau nhất là trong bối cảnh tỷ lệ phân bổ cho bảo trợ xã hội của Việt Nam còn thấp.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt so với các quốc gia khác cho dù Covid-19 đặt ra nhiều thách thức. Kim ngạch xuất khẩu tăng 17%/năm trong thập kỷ qua. Thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm tới phân khúc thị trường giá trị gia tăng cao để thúc đẩy xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng".

 

 

TP.HCM PHỤC HỒI THEO HAI GIAI ĐOẠN 

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

"Đợt dịch Covid-19 bùng phát thứ 4 khiến kinh tế TP.HCM suy giảm nghiêm trọng khi thời gian giãn cách xã hội kéo dài lâu nhất cả nước. Tăng trưởng GDP quý 3/2021 giảm 24,97% so với cùng kỳ, khu vực công nghiệp, xây dựng chịu tác động mạnh nhất giảm tới 44,8%. Theo dự báo, cả năm 2021, GRDP của thành phố giảm 6,78%.

TP.HCM đã bắt tay vào khôi phục kinh tế, phấn đấu lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của khu vực phía Nam cũng như cả nước. Trong kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế thành phố, TP.HCM gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược phát triển y tế và chiến lược an sinh xã hội.

Giai đoạn 1: từ nay-2022, tập trung khắc phục hệ lụy, khôi phục gãy đổ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi ổn định sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm, tập trung an sinh xã hội… trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Giai đoạn 2: 2023-2025 và những năm tiếp theo, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, triển khai có hiệu quả các chương trình đã được chuẩn bị theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, giải quyết điểm nghẽn đối với sự phát triển của thành phố trong đó tập trung nguồn lực phát huy thế mạnh của thành phố, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại mua sắm, dịch vụ logistics, đổi mới sáng tạo, y tế chất lượng cao…".