10:19 27/09/2022

Thủ tướng: Phải bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ

Chu Khôi

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ, không chỉ ứng phó với bão mà còn cần tập trung ứng phó với mưa lũ sau bão do bão số 4 được dự báo có khả năng tàn phá tương đương bão Xangsane…

Thủ tướng" "Phải thực thi mọi phương án để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cũng như di sản".
Thủ tướng" "Phải thực thi mọi phương án để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cũng như di sản".

Sàng 27/9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến để ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru). Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, trụ sở UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn có liên quan.

BÃO NORU ĐÃ MẠNH LÊN CẤP 14

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào sáng 27/9, tâm bão số 4 đang trên vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 16.  Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

 

"Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng tây và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h chiều 27/9, tâm bão sẽ cách Đà Nẵng khoảng 300km, Quảng Nam khoảng 250km, Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/h), giật cấp 17".

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Trong chiều tối và đêm 27, sáng 28/9, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng tây và tiến vào vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ và có khả năng giảm cường độ. Dự báo, 4h sáng 28-9, tâm bão ở trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 16. 

Trong sáng 28-9, bão đi vào đất liền Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. 

Cơ quan khí tượng Nhật Bản ghi nhận vào sáng 27/9, tốc độ gió tối đa gần trung tâm bão  40m/s (tương đương cấp 13). Dự báo đến 18h chiều 27/9, gió sẽ mạnh lên 45m/s (cấp 14) và duy trì cường độ này. Đến 6h sáng 28/9, khi bão ở ven biển các tỉnh Trung Trung Bộ của Việt Nam, bão vẫn mạnh cấp 14. Bão sẽ  đi vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định. 

Đường đi của bão số 4.
Đường đi của bão số 4.

Về mưa, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ ngày 27-28/9, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa lớn 250-350mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai cho biết đến sáng 27/9 vẫn còn  18 tàu cá cùng 164 lao động đang ở trong khu vực nguy hiểm (Quảng Nam: 9 tàu/100LĐ; Quảng Ngãi 6 tàu/44LĐ; Bình Định: 3 tàu/20LĐ). Các tàu đang di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Về tàu vận tải, hiện có 983 tàu thuyền (433 tàu biển và 550 phương tiện thủy nội địa) trong khu vực quản lý của các cảng vụ từ Quảng Ninh - Bình Thuận. Có 38 vị trí xung yếu đê biển, đê cửa sông từ Quảng Bình - Quảng Ngãi. Hiện còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định (TT.Huế 2.200; Quảng Nam 1.157; Quảng Ngãi 397; Bình Định 1.033) đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn.  Du khách trên các đảo đã di chuyển vào đất liền tránh trú (Lý Sơn, Cù Lao Chàm).

Đề cập tình hỉnh sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có 20.712ha nuôi trồng thủy sản và 4.571 lồng, bè. Đối với trồng trọt, vẫn còn 4.000 ha lúa đã chín cần thu hoạch.  Về chăn nuôi: Từ Thừa Thiên Huế - Bình Định hiện có trên 2,4 triệu con gia súc và 26 triệu con gia cầm, 42 trang trại quy mô lớn có nguy cơ bị ảnh hưởng khi bão đổ bộ

LÊN PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN KHỎI VÙNG NGUY HIỂM

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết địa phương sẵn sàng di dời hơn 53.000 người dân vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển và vùng nguy cơ sạt lở núi đến các nơi tập trung như: Trường học, các trụ sở cơ quan và khoảng hơn 8.000 người di dời ghép từ các nhà yếu, nhà không đảm bảo đến các nhà kiên cố để tránh bão số 4.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu các địa bàn phải hoàn thành di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 10h ngày 27/9, địa điểm sơ tán dân phải đảm bảo lương thực, thực phẩm vệ sinh môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán 182 ngàn người trong trường hợp bão mạnh, hơn 400 ngàn người trong trường hợp siêu bão.

Chỉ đạo công tác ứng phó, ông Phạm Đức Luận - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu trong ngày 27/9 phải hoàn thành nhiều công việc.

Đó là, tiếp tục kêu gọi 18 tàu/164 người của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định khẩn trương thoát khỏi vùng nguy hiểm trước 12h00/27/9 (nên di chuyển về phía Nam). Hoàn thành bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu; sơ tán người trên đảo và lồng bè, chòi canh trước 17h00 ngày 27/9 và có phương án đảm bảo an toàn.

Đối với trên đất liền, tổ chức sơ tán người dân tại các nhà yếu, khu vực trũng thấp nguy cơ ngập lụt, sạt lở, chú ý đảm bảo an toàn, vệ sinh, an ninh trật tự nơi sơ tán; hoàn thành trước 17h00 ngày 27/9. Hoàn thành việc cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao,...trước 17h00 ngày 27/9.  

Xem xét cho bộ phận cán bộ, công nhân viên nghỉ làm trong ngày 28/9. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố. Sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.  

 

"Sạt lở là một vấn đề lớn. Nếu không dự báo, không sơ tán kịp thời sẽ gây thiệt hại cho nhân dân. Ngoài ra cũng cần đảm bảo an toàn cho các em học sinh, khách du lịch đang bị mắc kẹt tại khu vực được dự báo bão sẽ đi qua. Cần bảo vệ các di sản, đặc biệt là di sản Hội An".

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ông Luận lưu ý Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền cho người dân tại các lồng, bè nuôi trồng thủy sản cần phải sơ tán sớm trước khi bão đổ bộ, có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản.

Phải tạm dừng các công trình thi công có nguy cơ xảy ra sự cố; bố trí thường trực để vận hành điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du, nhất là thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu. Chỉ đạo các lực lượng quân khu, quân đoàn cơ động đến các vị trí trọng điểm để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ vào với tinh thần "phòng còn hơn chống"; cần nhanh chóng kêu gọi ngư dân về nơi tránh trú an toàn; cần quan tâm bảo vệ hồ đập, lồng bè thủy sản.

Trước lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc cơn bão bão Xangsane đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng (gió mạnh cấp 12, giật cấp 14) làm 76 người chết, mất tích; 350.000 nhà bị sập đổ, hư hại; thiệt hại vật chất trên 10.000 tỷ đồng.

Bão số 4 được nhận định tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane, nên nguy cơ gây thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, phải thực thi mọi phương án để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cũng như di sản, điều kiện sinh kế của người dân. 

 
Khẩn trương ứng phó bão số 4 (bão Noru). Ảnh: VPG
Khẩn trương ứng phó bão số 4 (bão Noru). Ảnh: VPG

Sáng 27/9/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã vào Đà Nẵng để thực hiện chức trách Trưởng Ban chỉ đạo Tiền phương Phòng chống bão số 4. Tham gia Ban Tiền Phương này có Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành như  Tư lệnh Biên phòng, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, đại diện các Bộ Công thương, Giao thông vận tải, Y tế…