15:42 26/11/2013

Thủ tướng sẽ quyết việc chọn thầu trong trường hợp đặc biệt

Anh Minh

Có những trường hợp nếu chỉ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu như quy định sẽ không có lợi cho quốc gia

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thực tiễn thời gian qua có những 
trường hợp nếu chỉ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư 
như quy định của dự thảo luật sẽ không có lợi cho quốc gia, như đối với 
các dự án dầu khí, dự án nhà máy điện hạt nhân…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thực tiễn thời gian qua có những trường hợp nếu chỉ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư như quy định của dự thảo luật sẽ không có lợi cho quốc gia, như đối với các dự án dầu khí, dự án nhà máy điện hạt nhân…
Sáng 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó có điều khoản quan trọng được bổ sung liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Trước khi luật được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi.

Theo ông Giàu, về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thực tiễn thời gian qua có những trường hợp nếu chỉ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư như quy định của dự thảo luật sẽ không có lợi cho quốc gia, như đối với các dự án dầu khí, dự án nhà máy điện hạt nhân…

Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban xin bổ sung một điều (điều 27) quy định trong trường hợp đặc biệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư lập phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ông Giàu cũng cho biết tại phiên thảo luật về dự thảo luật ngày 30/10, đã có 28 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường và 03 ý kiến góp ý bằng văn bản; đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến góp ý cụ thể vào các điều, khoản của dự thảo Luật.

Đáng chú ý là các ý kiến liên quan đến vấn đề đấu thầu tại các doanh nghiệp nhà nước.

Có ý kiến đề nghị quy định bổ sung trường hợp lựa chọn nhà đầu tư khai thác vận hành công trình, vận hành các dự án tại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng đây là các hình thức mới được triển khai và thực tế chưa có tính ổn định, do đó đề nghị chưa nên quy định trong Luật để tránh những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh.

Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và trong trường hợp Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước và các công ty con…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xác định tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính trong các trường hợp cụ thể đòi hỏi cần xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện, theo các tiêu chí về vốn sở hữu, về nhân sự… Những nội dung này cần được quy định một cách chi tiết trong văn bản hướng dẫn và trong hồ sơ mời thầu, thay vì đưa vào luật.

Ở phần biểu quyết, tổng số đại biểu tham gia biểu quyết là 443, bằng 88,96% so với tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội tán thành là 440, bằng 88,35%; số đại biểu không tán thành là 0; số đại biểu không biểu quyết là 3, bằng 0,6%.