Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hợp tác nuôi biển công nghiệp Việt Nam - Na Uy
Việt Nam coi Na Uy là một trong những đối tác quan trọng trong ngành nuôi biển công nghiệp
Ngày 9/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Đại sứ quán Na Uy đồng chủ trì Hội nghị về Kinh tế Đại dương xanh tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tham dự Hội nghị có Bà Grete Løchen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và hơn 150 đại biểu là đại diện của các Bộ, ngành trung ương; các cơ quan liên quan của Việt Nam và Na Uy, cùng nhiều doanh nghiệp hai nước.
Qua Hội nghị này, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo gặp gỡ và chia sẻ thông tin về hoạt động quản lý, quy hoạch nhà nước đối với ngành nuôi biển công nghiệp, nhu cầu sử dụng công nghệ xanh và các giải pháp thông minh để phát triển hiệu quả và bền vững ngành này, các thách thức đặt ra trong đó có vấn đề cấp vốn, các giải pháp, và qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ và cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Lấy trọng tâm là các công nghệ và giải pháp xanh để phát triển bền vững ngành nuôi biển công nghiệp, Hội nghị đề cập tới mọi mắt xích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành từ phối gien, sản xuất giống, quản lý sức khỏe cá nuôi, thức ăn cho cá, kỹ thuật nuôi tới xử lý cá và chế biến phụ phẩm thủy sản.
"Việt Nam và Na Uy đã có hơn 30 năm hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có nuôi trồng thủy sản, Hội nghị này là một cơ hội tốt để Việt Nam và Na Uy chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển ngành nuôi biển công nghiệp bền vững. Việt Nam coi Na Uy là một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực này", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại sứ Na Uy Grete Løchen nói "Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên hiệp quốc tại New York hai tuần trước, Ủy ban Cấp cao về Kinh tế Đại dương Bền vững do Thủ tướng Na Uy Erna Solberg làm chủ tịch đã ra lời Kêu gọi Hành động vì Đại dương và Môi trường, nêu rõ 5 lĩnh vực hành động có thể góp phần bảo vệ đại dương và giảm thiểu các rủi ro biến đổi khí hậu trong đó có phát triển bền vững ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Na Uy đã đúc kết được những bài học thực tế trong câu chuyện phát triển bền vững ngành công nghiệp cá hồi, và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam".
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 12 tổ chức và công ty Na Uy. Mỗi trong số họ đại diện cho một khâu quan trọng trong toàn chuỗi giá trị, và có những kinh nghiệm thú vị riêng để chia sẻ, chẳng hạn, về tầm quan trọng của di truyền học ứng dụng trong sản xuất giống, các giải pháp dinh dưỡng cho các loài cá biển, các phương pháp nuôi trồng hiện đại mới, xử lý cá từ ngoài biển tới nhà máy chế biến, đặc biệt là làm sao để biến các chế phẩm thủy sản thành những sản phẩm có chất lượng cao dùng cho người và thức ăn chăn nuôi.
Chia sẻ về bài học phát triển thương hiệu cá hồi của Na Uy, ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội đồng Thuỷ sản Na Uy nói: "Các thế hệ khách hàng tương lai sẽ rất khó tính. Họ không chỉ quan tâm tới chất lượng mà còn quan tâm đến nguồn gốc xuát xứ, sản phẩm có được nuôi trồng bền vững hữu cơ không, vì thế phát triển thương hiệu có ý nghĩa quan trọng".
"Biểu tượng của Thuỷ sản Na Uy mang tính biểu trưng cho quốc gia chứ không phải cho từng sản phẩm cụ thể. Điều đó chứng tỏ chúng tôi đặc biệt chú trọng tới yếu tố xuất xứ. Xuất xứ là yếu tố được xây dựng bởi nhiều yếu tố, thiên nhiên, con người, công nghệ và tính bền vững", ông Asbjorn Warvik Rortveit chia sẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Ông ArneKjetil, Tham tán Thương mại Na Uy cùng chủ trì phiên thảo luận bàn về cách thức để Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững ngành nuôi biển công nghiệp, cũng như hướng hợp tác của hai nước và doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực này.