10:18 23/04/2021

Thượng đỉnh Khí hậu Toàn cầu: Mỹ đặt mục tiêu tham vọng, giành lại vị thế dẫn đầu

Ngọc Trang

Ngày 22-23/4, 40 nhà lãnh đạo thế giới cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu Toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Washington

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: AFP

Tại phiên khai mạc ngày 22/4, trong khi Mỹ đưa ra mục tiêu mới về giảm khí thải nhà kính, Trung Quốc chỉ nhắc lại những cam kết cũ và nhấn mạnh nước này vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, khác với Mỹ và châu Âu.

MỸ ĐẶT MỤC TIÊU MỚI, GIÀNH LẠI VỊ TRÍ DẪN ĐẦU CUỘC CHIẾN KHÍ HẬU

Tại sự kiện, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ đặt mục tiêu giảm khí thải nhà kính xuống còn 50% mức so với mức năm 2005 vào năm 2030. 

Theo South China Morning Post, đây được xem là động thái nhằm thúc giục các nước gây ô nhiễm lớn khác có động thái quyết liệt hơn, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn giành lại vai trò dẫn dầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

"Đây là thời điểm của những hiểm họa nhưng cũng là thời điểm của những khả năng phi thường. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Chúng ta phải làm điều này", Tổng thống Mỹ phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới. 

Thượng đỉnh Khí hậu Toàn cầu: Mỹ đặt mục tiêu tham vọng, giành lại vị thế dẫn đầu - Ảnh 1.

Thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì - Ảnh: Japan Times

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cam kết giảm khí thải nhà kính 26-28% mức của năm 2005 vào năm 2025. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, người kế nhiệm Donald Trump đã dừng mọi nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Mỹ và thậm chí ban hành chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Ông Trump cũng rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về khí hậu. 

Hôm 21/4, ông Biden cũng kêu gọi các quốc gia đưa ra cam kết giảm khí thải có ý nghĩa bởi theo ông, kết quả đạt được sẽ là nhiều việc làm mới cũng như các ngành công nghiệp và công nghệ mới. 

"Chúng ta nên bảo vệ thiên nhiên và môi trường như bảo vệ con mắt của mình vậy", ông Biden nói và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các quốc gia đang phát triển. "Chúng ta phải đưa ra những cam kết lấy con người làm trung tâm". 

TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ KHÔNG CÓ CAM KẾT MỚI

Trong khi cả Nhật và Canada đều đưa ra các cam kết mới trong giảm khí thải nhà kính, Ấn Độ và Trung Quốc - hai trong những quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất - không đưa ra cam kết nào mới.

Tại thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình nhắc lại mục tiêu mà Bắc Kinh đưa ra vào năm ngoái, theo đó đạt mức phát thải carbon dioxide cao nhất vào năm 2030 và không phát thải ròng vào năm 2060. 

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ"kiểm soát chặt chẽ hơn" các nhà máy điện than nằm trong kế hoạch 5 năm hiện tại và "thu hẹp quy mô" của các nhà máy này trong 5 năm tiếp theo. 

"Trung Quốc đã cam kết chuyển từ khí thải carbon tối đa sang trung hòa carbon trong thời gian ngắn hơn so với nhiều quốc gia phát triển", và điều này đòi hỏi sự nỗ lực phi thường", ông Tập Cận Bình nhấn mạnh. "Các nước phát triển cần đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn về khí hậu và có những nỗ lực cụ thể hơn để giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phát triển xanh và các-bon thấp".

Thượng đỉnh Khí hậu Toàn cầu: Mỹ đặt mục tiêu tham vọng, giành lại vị thế dẫn đầu - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu - Ảnh: Kyodo

Khi phía Mỹ bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc - nước vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than - thực hiện các mục tiêu môi trường lớn hơn, Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này vẫn đang được xem là một nền kinh tế đang phát triển.

Li Shuo, cố vấn cấp cao của Tổ chức Hòa bình Xanh tại Bắc Kinh, nhận định những tuyên bố mới nhất của ông Tập Cận Bình "không như kỳ vọng".

"Cần phải có những động thái tham vọng hơn nữa. Những điều kiện để cắt giảm nhanh khí thải tại Trung Quốc đang trở nên chín muồi. Điều quan trọng nằm ở lợi ích của Trung Quốc khi tuyên bố và thực hiện những kế hoạch xa hơn".

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, các quan chức Trung Quốc đã giải thích việc ông Tập không đưa ra những cam kết mới và cụ thể, nhấn mạnh rằng không nên sử dụng biến đổi khí hậu như một "công cụ địa chính trị".

"Trung Quốc đang ở một giai đoạn phát triển khác với Mỹ và châu Âu", Xie Zhenhua, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Trung Quốc, nói. "Tiến độ trung hòa carbon của Trung Quốc đã diễn ra nhanh hơn so với kế hoạch của Mỹ và châu Âu bất chấp những khó khăn lớn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế".

Ông Xie nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington đã nối lại đối thoại về khí hậu, đồng thời cho biết một nhóm làm việc chung về biến đổi khí hậu của hai quốc gia có thể sớm được thành lập. Tuần trước, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí hợp tác nhằm chống lại biến đổi khí hậu với tinh thần "cấp bách" sau khi đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry có cuộc gặp với người đồng cấp Xie ở Thượng Hải.

Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, theo sau là Mỹ và Ấn Độ. Ba cường quốc này cùng thải ra hơn 50% khí thải từ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu.

CHÂU ÂU NHIỆT LIỆT HOAN NGHÊNH MỸ TRỞ LẠI

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra những cam kết quyết liệt và chi tiết hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các quốc gia xem việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch là cơ hội để đầu tư vào năng lượng tái tạo và định hình lại nền kinh tế. 

Bà Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng nhấn mạnh cam kết của Liên minh châu Âu (EU) hôm 21/4 về mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính ròng ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990.

Ông Macron hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen – khi đề cao vai trò quan trọng của "tài chính xanh" với việc chi trả và tạo ra những ưu đãi để thay đổi hành vi. 

Thượng đỉnh Khí hậu Toàn cầu: Mỹ đặt mục tiêu tham vọng, giành lại vị thế dẫn đầu - Ảnh 1
Thượng đỉnh Khí hậu Toàn cầu: Mỹ đặt mục tiêu tham vọng, giành lại vị thế dẫn đầu - Ảnh 2

Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến - Ảnh: AFP

"Nếu chúng ta không định giá carbon, sẽ không có sự thay đổi nào cả", Tổng thống Pháp nói. "Chúng ta hãy cùng đẩy nhanh việc hợp tác để tạo ra những công nghệ đột phá và đổi mới. Điều này cho phép chúng ta vượt qua thách thức và giảm chi phí". 

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này dặt mục tiêu giảm 78% khí thải nhà kính so với mức năm 1990 vào năm 2035. Đây là mục tiêu tham vọng hơn so với mục tiêu giảm 68% vào năm 2030 được nước này đưa ra trước đó. 

Các nhà lãnh đạo châu Âu hoan nghênh sự trở lại của Washington với vai trò lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 

"Tôi rất vui mừng khi thấy Mỹ trở lại", bà Merkel chia sẻ. "Chắc chắn thế giới cần sự đóng góp của Mỹ nếu như muốn hoàn thành những mục tiêu tham vọng". 

Tuy nhiên, những vấn đề chính trị tại Mỹ khiến nhiều nhà lãnh đạo lo lắng rằng một tổng thống mới vào năm 2024 có thể sẽ lại đảo ngược chính sách về biến đổi khí hậu của ông Biden, như cách ông Trump từng làm với chính sách của ông Obama. 

Theo các nhà phân tích, thượng đỉnh ngày 22/4 ngập tràn những mục tiêu tham vọng. Tuy nhiên, để biết được hiệu quả ra sao phải chờ tới khi các quốc gia đưa ra kế hoạch chi tiết - điều có thể ảnh hưởng tới lợi ích của họ.

Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức các cuộc đối thoại tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới với sự tham gia của khoảng 200 đại diện quốc gia trong Hiệp định Paris. Tại đây, các nhà lãnh đạo sẽ trình bày về những mục tiêu mà mình sẵn sàng thực hiện để giảm khí thải nhà kính.