Tiền nội rút lui, đến lượt khối ngoại trỗi dậy làm chủ cuộc chơi?
Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên gấp đôi so với thời điểm cách đây 1 năm trong khi dòng vốn đầu tư trong nước bắt đầu thoái lui.
Như VnEconony đề cập, trong tháng 4 vừa qua, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2021 với tổng giá trị bán ròng 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên số dư trên tài khoản lại không tăng tương ứng, thậm chí số dư tiền gửi/tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong quý 1/2022 giảm so với quý 4/2021, dữ liệu từ FiinGroup.
Mặc dù vậy, lượng tiền trên tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán không tăng tương ứng với số tiền đã bán ròng, số dư tiền gửi/tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong quý 1/2022 không đáng kể, thậm chí giảm so với quý 4/2021. Như vậy, nhiều khả năng sau khi bán ròng số tiền này đã được các nhà đầu tư cá nhân rút ra khỏi thị trường chứng khoán dẫn đến lượng tiền gửi trong tài khoản tăng không tương ứng. Nguyên nhân bởi bối cảnh thị trường khó khăn, chỉ số sụt giảm mạnh trong suốt từ cuối tháng 3 đến nay khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng.
Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong tháng 4 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 12,0% so với tháng trước xuống 27.957 tỷ đồng. Những ngày đầu tháng 5, giá trị trung bình mỗi phiên chỉ còn khoảng 14.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với tháng 4.
Trong khi dòng tiền nội có phần suy yếu thì khối ngoại lại mạnh tay giải ngân. Tính từ đầu tháng 5 tới nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.134 chứng khoán Việt Nam gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF. Trong tháng 4, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua ròng 3.896 tỷ đồng trong tháng 4 so với mức bán ròng 3.646 tỷ đồng trong tháng 3.
Cơ cấu giao dịch của khối ngoại trên sàn HoSE cũng đã cải thiện đáng kể sau một năm co lại. Theo đó, nếu như giai đoạn 2018-2019, giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ lệ 18-19% toàn thị trường đến giai đoạn 2021 còn đâu đó khoảng 5-6% thì ở thời điểm hiện tại, giá trị giao dịch của khối này đã tăng lên 9%. Ngược lại, cơ cấu giao dịch của nhà đầu tư trong nước xu hướng giảm.
Dự kiến, cơ cấu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn tăng lên nữa trong thời gian tới khi mà dòng vốn nội có dấu hiệu suy thoái dần. Bởi hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều chung một nhận định rằng chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn, mỗi nhịp điều chỉnh là cơ hội để mua vào sở hữu. Chỉ số P/E của Vn-Index trong dự báo thu nhập năm 2022 hiện ở mức 12,7 hấp dẫn hơn so với mức trung bình 17,6 của Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn hiện đang giao dịch dưới mức P/E 10 bất chấp tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Trái lại, nhà đầu tư trong nước có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường để quay lại sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, lãi suất huy động nhiều ngân hàng cũng có xu hướng tăng trong khi nhiều nhà đầu tư đã lỗ nặng trong suốt chu kỳ gần nửa năm vừa qua, việc gửi tiền lấy lãi là một lựa chọn khả dĩ hơn.