Tiếp tục rung lắc, thanh khoản đột ngột giảm mạnh
Diễn biến phiên sáng nay khá giống hôm qua, vẫn có thêm một nhịp chốt lời, sau đó cầu bắt đáy xuất hiện chặn đà giảm. Điểm tốt là chiều giảm thanh khoản khá nhỏ, thể hiện áp lực bán không tăng, đồng thời độ rộng duy trì tích cực trong suốt quá trình rung lắc…
Diễn biến phiên sáng nay khá giống hôm qua, vẫn có thêm một nhịp chốt lời, sau đó cầu bắt đáy xuất hiện chặn đà giảm. Điểm tốt là chiều giảm thanh khoản khá nhỏ, thể hiện áp lực bán không tăng, đồng thời độ rộng duy trì tích cực trong suốt quá trình rung lắc…
VN-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,22 điểm hay 0,02%, một thành quả kém thuyết phục khi nửa đầu phiên đạt đỉnh tăng 0,39%. Tuy nhiên nhìn từ đáy giảm 0,11% lúc 10h50, những nỗ lực đảo chiều đã thành công.
Diễn biến rung lắc như vậy không khó đoán vì thị trường vẫn đang liên tục xuất hiện những đợt chốt lời quanh vùng đỉnh cũ của chỉ số. Quan trọng là cách thức bán ra của nhà đầu tư gây sức ép như thế nào. Sáng nay áp lực bán giảm đáng kể, thể hiện ở hai tín hiệu.
Thứ nhất là độ rộng, hai phiên rung lắc trước đó hầu hết cổ phiếu giảm giá trong buổi sáng. Phiên này ở thời điểm sức ép mạnh nhất, VN-Indẽ giảm sâu nhất, độ rộng vẫn cân bằng 186 mã tăng/193 mã giảm và đến cuối phiên là 208 mã tăng/176 mã giảm. Độ rộng phản ánh rõ nhất biến động giá trên diện tổng thể.
Thứ hai là thanh khoản, sáng nay giao dịch khớp lệnh hai sàn giảm tới 42% so với sáng hôm qua, ở mức thấp nhất 5 phiên với 6.954 tỷ đồng. HoSE giảm 42% với gần 6.297 tỷ đồng. Thanh khoản giảm cùng với biến động giá hẹp, độ rộng cân bằng và có cải thiện là một tín hiệu không xấu.
Thống kê trên HoSE hiện đang có 17 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên, thì chỉ 6 mã giảm là DIG giảm 1,3%, VNM giảm 0,99%, HSG giảm 1,47%, MBB giảm 0,5%, DXG giảm 0,95% và VIX giảm 1,74%. Tổng thể sàn này, thanh khoản trong nhóm tăng giá đang chiếm 54,2% tổng khớp, thanh khoản nhóm giảm chiếm 37,7%.
Việc chỉ số VN-Index yếu và phục hồi chưa rõ ràng còn có tác động từ nhóm trụ lớn. VN30-Index cũng vừa nhích qua tham chiếu trong vài phút cuối cùng, chỉ tăng 0,03 điểm, độ rộng cân bằng 14 mã tăng/14 mã giảm. Nhóm trụ có VNM còn giảm 0,99%, TCB giảm 0,75%, BID giảm 0,45%, CTG giảm 0,51%, VPB giảm 0,49%. Có thể thấy mức giảm này nhẹ, hầu hết các cổ phiếu trong rổ VN30 cũng đã thoát đáy với biên độ khác nhau.
Hiện áp lực bán yếu là điều đã rõ, yếu tố còn thiếu là bên mua sẽ hành động như thế nào. Các phiên trước buổi chiều đều có lực mua đẩy giá lên khá tốt, chiều nay có thể lặp lại. Tuy vậy các hành động trên thị trường là rất khó đoán, cần được kiểm chứng bằng thanh khoản, vì nếu bên mua không đẩy mạnh giải ngân, thanh khoản sẽ tiếp tục nhỏ ngay cả ở trong chiều giá phục hồi.
Toàn sàn HoSE hiện đang có 74 cổ phiếu tăng với biên độ trên 1%, khá nhiều mã thanh khoản cao như PVT, PVP, PSH, VIP, HAH, VOS, , VTO đều có mức giao dịch trên 10 tỷ đồng và giá tăng quá 3%. Tuy nhiên có thể thấy yếu tố vốn hóa của nhóm này quá nhỏ để có thể điều tiết chỉ số. Thị trường muốn khởi sắc vẫn phải trông chờ vào nhóm blue-chips mạnh trở lại. Thanh khoản của rổ VN30 vẫn còn thấp, mới đạt 2.234 tỷ đồng, giảm 37% so với sáng hôm qua và chiếm khoảng 35,5% tổng khớp sàn HoSE.
Việc VN-Index vượt qua đỉnh cao tháng 1/2023 là đã rõ, nhưng VN30-Index chậm hơn một nhịp, vẫn đang kiểm định đỉnh tương ứng. Hiện tượng luân phiên tăng giảm ở các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục cho thấy sự kém đồng thuận, dù có khả năng giữ nhịp tại vùng đỉnh, nhưng cũng không thể tạo nên sự bùng nổ cần thiết.
Khối ngoại vẫn chưa có sự hợp tác tốt, đang bán ròng 142,9 tỷ đồng trên HoSE. Phía mua ròng có HPG +48,1 tỷ đồng là cổ phiếu duy nhất đáng kể, trong khi phía bán lại có số lượng lớn. Những mã tiêu biểu là VRE -28,4 tỷ, VNM -20 tỷ, STB -18,7 tỷ, DIG -16,2 tỷ, KBC -13 tỷ.