09:06 29/06/2022

Tìm giải pháp thúc đẩy chuỗi đô thị thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng

Trương Quốc Cường

Phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và trong các Nghị quyết chuyên đề của Đảng với nội dung cụ thể: “Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương”...

Hội thảo “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới”
Hội thảo “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới”

Sáng 28/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới” do Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, và Phó Chủ tịch UBND TP Hải phòng Nguyễn Đức Thọ đồng chủ trì.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ UN Habitat, Mạng lưới Đô thị thông minh Singapore, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế như: Tập đoàn CMC, MobiFone, Hewlett Packard Enterprise (HPE) , Fortinet , Signify và Dell Technologies…

Đây là cuộc hội thảo quan trọng, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc cụ thể hóa và hiện thực hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu “Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030”.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đã tóm tắt một số thành tựu, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng. Phó chủ tịch cũng tin tưởng rằng những vấn đề nêu trên sẽ phần nào được giải đáp tại cuộc hội thảo, thông qua chia sẻ kinh nghiệm từ các lãnh đạo, các nhà quản lý, các tham luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và trong các Nghị quyết chuyên đề của Đảng với nội dung cụ thể: "Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương". Hướng tới mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. 

Với vị thế là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, đang bứt phá trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước. Hải phòng đã được lựa chọn để tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới”

Tại cuộc Hội thảo, các tham luận đã tập trung chia sẻ và làm rõ một số nội dung về , xây dựng và triển khai dự án/đề án phát triển đô thị thông minh có tính kết nối cao tại các địa phương; khả năng liên kết giữa các đô thị trong khu vực để hướng tới tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững; hạ tầng số cho đô thị thông minh và ứng dụng các công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị.

Trong phiên trao đổi, thảo luận bàn tròn, các đại biểu đã bàn sâu hơn về những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, chuỗi đô thị thông minh nói chung và trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới và tại Việt Nam.

Trao đổi và làm rõ các vấn đề như: gợi ý những giải pháp để tăng cường tính liên kết trong đô thị, giữa các đô thị trong khu vực và thế giới; những chính sách về quy hoạch nhằm thu hút và khuyến khích đầu tư, xã hội hóa nguồn vốn cho các dự án đô thị thông minh; những vướng mắc trong phát triển hạ tầng số, công nghệ số và phát triển hệ sinh thái dịch vụ thông minh cũng như rủi ro về an toàn, an ninh và giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật với đô thị thông minh.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng hiến kế, đề xuất về phát triển đô thị, chuỗi đô thị thông minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước trong thời gian tới.