TP.HCM: Học sinh từ mầm non đến lớp 6 lần đầu tiên được trở lại trường từ sau ngày khai giảng
Theo kế hoạch học sinh sẽ học trực tiếp vào buổi sáng còn buổi chiều học trực tuyến. Việc bố trí này nhằm tạo điều kiện cho những học sinh nếu chưa đến trường học trực tiếp vì lý do nào đó thì vẫn có thể học trực tuyến để nắm kiến thức...
Ngày 14/2, các trường mầm non và tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh đã mở cửa trở lại sau hơn 5 tháng kể từ ngày khai giảng, bên cạnh đó nhóm học sinh lớp 6 cũng bắt đầu được đi học trực tiếp…
Theo kế hoạch học sinh sẽ học trực tiếp vào buổi sáng còn buổi chiều học trực tuyến. Việc bố trí này nhằm tạo điều kiện cho những học sinh nếu chưa đến trường học trực tiếp vì lý do nào đó thì vẫn có thể học trực tuyến để nắm kiến thức. Được biết nhằm chuẩn bị cho việc quay trở lại trường học tập trung thì trong tuần qua, nhiều trường tiểu học tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cho học sinh đến lớp 1-2 buổi làm quen thầy cô, trường lớp và các hoạt động phòng dịch Covid-19.
Theo phương án của Sở Giáo dục & Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, trong tuần đầu khi trẻ học lại, tạm thời các trường mầm non chưa tổ chức ăn sáng mà dành thời gian dạy trẻ kỹ năng thích ứng với việc đi học trong thời kỳ bình thường mới. Sau một tuần, nếu mọi nề nếp được thực hiện thì các trường sẽ tổ chức cho học sinh ăn sáng dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Việc tổ chức cho trẻ ăn tại trường thực hiện theo từng nhóm và lứa tuổi, chứ không cho trẻ ăn đồng loạt như trước đây. Đến ngày 28/2, Sở tiến hành tổ chức sơ kết về tình hình đi học lại của học sinh 3 - 6 tuổi, nếu mọi việc thuận lợi thì các trường mầm non sẽ tiếp tục đón trẻ dưới 3 tuổi đến trường từ đầu tháng 3.
Năm học 2021-2022, TP. Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh từ các bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Như vậy sau hơn 9 tháng gián đoạn do dịch bệnh các cấp học từ mầm non đến THPT đã trở lại trường.
Chia sẻ về vấn đề học sinh đi học tập trung vào ngày 14/2 (trừ trẻ dưới 3 tuổi) Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP. Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng cho hay, Sở Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đưa ra các tình huống và cách xử lý trong điều kiện có dịch. Đặc biệt, "Cơ sở giáo dục phải chuẩn bị sẵn các phòng dự phòng khi phát hiện trường hợp F0. Các hoạt động diễn tập có thể lồng ghép trong các hoạt động vào giờ ra chơi, tổ chức nhẹ nhàng, không gây hoang mang cho giáo viên và học sinh. Nếu cơ sở vật chất hạn chế thì có thể huy động phòng chức năng, hội trường làm phòng dự phòng để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch", Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Dũng yêu cầu các trường phải phối hợp chặt chẽ với y tế của địa phương nhưng không làm thay nhiệm vụ chuyên môn của ngành y tế. Về vấn đề kit test xét nghiệm cho trường học, ngành y tế sẽ cung cấp theo chỉ đạo của UBND TP. Đồng thời cũng cho biết, Sở Y tế đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành quy định mới về cách xác định F1, quy trình xử lý F0 trong trường học. Trong thời gian chờ đợi các quy định mới, trường học vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành.
Theo ông Dũng, hiện nay dù không tổ chức lấy ý kiến nhưng có hơn 80% đến 85% phụ huynh tiểu học có con học từ lớp 1 đến lớp 5 đăng ký cho con đi học trực tiếp từ ngày 14/2. Khoảng gần 20% phụ huynh học sinh tiểu học không đăng ký cho con em đi học lại được xác định vì nhiều lý do như đang ở các tỉnh chưa trở lại TP. Hồ Chí Minh hoặc còn lo lắng về dịch Covid-19… Riêng đối với trường hợp này, học sinh có thể tiếp tục học trực tuyến, học qua truyền hình, giao bài tự học theo hướng dẫn của Sở Giáo dục & Đào tạo.