10:00 07/11/2023

TP.HCM: Hơn 15.000 doanh nghiệp sẽ đánh giá năng lực sở, ngành

Thanh Thủy

Cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành và quận, huyện. Đồng thời sẽ bổ sung thêm tiêu chí về tăng trưởng xanh, sức khỏe và môi trường để phù hợp với sự phát triển toàn cầu…

Bảng xếp hạng DCCI TPHCM năm 2022 (cấp địa phương và cấp sở, ban, ngành) - Nguồn: UBND TP.HCM
Bảng xếp hạng DCCI TPHCM năm 2022 (cấp địa phương và cấp sở, ban, ngành) - Nguồn: UBND TP.HCM

Tại Hội nghị triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cho biết TP.HCM phát hành 50.000 phiếu khảo sát đánh giá năng lực sở ngành và các địa phương để có cơ sở cải thiện môi trường đầu tư.

Trong 50.000 phiếu gửi đi, TP.HCM đặt mục tiêu nhận được phản hồi của khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ tham gia thực hiện các khảo sát đánh giá năng lực điều hành kinh tế của sở, ban ngành và các địa phương. Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ngành.

Năm nay, thành phố chú trọng nhiều hơn đến sự tham gia của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm đánh giá chính sách thu hút đầu tư vào thành phố. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn phỏng vấn sâu 20-30 nhà đầu tư chiến lược, có các dự án lớn trên địa bàn.

Các chỉ số được khảo sát gồm: tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp... Đồng thời, 2 nội dung mới được bổ sung là chỉ số xanh - căn cứ vào định hướng thúc đẩy kinh tế xanh của lãnh đạo TP.HCM và sức khỏe và môi trường.

 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố từ năm 2005. Giai đoạn đầu TP.HCM luôn trong top 10 nhưng từ 2018 bắt đầu tụt hạng và hai năm qua đều “dậm chân” ở vị trí thứ 14 trong số các tỉnh, thành (nhóm khá).

Chỉ số này tham chiếu theo thông lệ quốc tế và định hướng xây dựng thành phố thành Trung tâm Tài chính quốc tế. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ báo cáo kết quả DDCI năm 2023 vào tháng 2/2024 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2024.

Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, thành phố mời 28 chuyên gia có uy tín từ các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các viện, trường đại học tham gia Hội đồng.

Theo ông Hoan, đánh giá DDCI giúp các đơn vị và địa phương thấy được những điểm mạnh, yếu. Từ đó có biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thành phố mong muốn tạo kênh thông tin rộng rãi để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến.

“Sở, ngành, địa phương đừng xem mình là bị hại, bị đánh giá mà phải ý thức được rằng mình được đánh giá, được ghi nhận sự nỗ lực phục vụ”, ông Hoan nhấn mạnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhận định việc đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành và quận huyện sẽ thực hiện thường niên để giúp các đơn vị này nhận ra điểm mạnh và hạn chế của mình. Từ đó, khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

DDCI được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM có chiến lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Từ kết quả thu được, thành phố sẽ chấn chỉnh những tồn tại, cải thiện môi trường đầu tư.

Đây là năm thứ hai TP.HCM thực hiện đánh giá năng lực sở, ngành và các địa phương. Ở lần đầu tiên, kết quả đánh giá năm 2022 được công bố hồi tháng 5, thành phố Thủ Đức cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xếp cuối bảng về năng lực cạnh tranh, trong khi quận Phú Nhuận và Sở Khoa học - Công nghệ đứng đầu.