TP.HCM nghiên cứu tái lập bùng binh cây liễu lâu đời nhất ở Sài Gòn
Giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi ở quận 1, TP.HCM từng là vòng xoay có tuổi đời hơn thế kỷ: Bùng kèn hay còn gọi bùng binh cây liễu. Sau tám năm bị “dẹp bỏ” để làm metro số 1 và đường đi bộ, hiện chính quyền TP.HCM đang cho nghiên cứu tái lập bùng binh nổi tiếng gắn liền với Sài Gòn này...
Hiện nay, khu vực đường Lê Lợi từ đường Đồng Khởi – Nguyễn Huệ đến Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đã được chủ đầu tư dự án metro số 1 Bến Thành hoàn trả mặt bằng; song đoạn đường vẫn còn che chắn, chưa lưu thông được do chưa xong phần hoàn thiện.
Tuy nhiên, về cơ bản là phần đi ngầm của metro số 1 từ ga chợ Bến Thành qua ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son (hoàn toàn đi ngầm) gần như đã hoàn thành (trên 95% tổng khối lượng), hiện chủ yếu còn phần hoàn thiện sau cùng và phần làm lại đường phía trên mặt đất.
Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải Thành phố khẩn trương và chủ trì nghiên cứu phương án tái lập đường Lê Lợi, trình Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 20/5/2022. Đồng thời chính quyền Thành phố yêu cầu Sở này nghiên cứu việc tái lập vòng xoay nơi giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ, hay bùng binh cây liễu (người Sài Gòn vẫn quen gọi là “bồn binh” vì có yếu tố lịch sử, và xung quanh bồn binh có trồng nhiều cây liễu).
Bồn binh (hay bùng binh, vòng xoay) cây liễu là vòng xoay đầu tiên của Sài Gòn thời Pháp thuộc và do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Nơi đây, bấy giờ là địa điểm một số người lính Pháp thường đến tụ tập đến chơi nhạc Tây, bao gồm các nhạc cụ khẩu cầm, nên được gọiu là “bồn kèn” (bồn nước có nhạc công chơi kèn) hay “bồn binh” (nơi nhiều người lính tụ tập). Phát âm “bùng binh” được giải thích là từ hai chữ “bồn binh” này mà ra.
Bồn binh cây liễu nằm ngày vị trí trung tâm và đẹp nhất Sài Gòn: Giao nhau giữa đại lộ Charner và Bonard (Nguyễn Huệ - Lê Lợi ngày nay), sau lưng là Dinh Xã Tây, còn gọi là Tòa Đô Chánh Sài Gòn, nay là trụ sở Ủy ban nhân dân TP.HCM; bên trái là khách sạn REX nổi tiếng và Thương xá TAX; bên phải hướng về Nhà hát Thành phố; phía trước mặt là đại lộ Charner (tức đường đi bộ Nguyễn Huệ) chạy dọc ra bến Bạch Đằng sông Sài Gòn.
Khi TP.HCM triển khai xây dựng tuyến metro đầu tiên, bồn binh cây Liễu bị phá dỡ; cùng với đó là toàn bộ con đường Lê Lợi trải dài từ quảng trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành đến đường Đồng Khởi phía trước Nhà hát Thành phố, đã bị rào chắn, phong tỏa để thi công metro, vào năm 2014.
Vào tháng 3/2019, sau khi phần ngầm đoạn Lê Lợi – Nguyễn Huệ đã cơ bản thi công xong và hoàn thổ trả lại mặt đường, Thành phố đã tiến hành cải tạo đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ. Khu vực ngay bồn binh cây liễu trước đây, chính quyền Thành phố cũng đã cho xây dựng mới đài phun nước nghệ thuật với nhiều tiểu cảnh, vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của bà con du khách bộ hành.
Vào trước dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, toàn bộ tuyến đường Lê Lợi và khu vực phía trước chợ Bến Thành, theo đúng kế hoạch, là sẽ hoàn thành tái lập đường đi, vỉa hè, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, chính thức tái lập lưu thông bình thường.
Con đường Lê Lợi có nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát (dự án metro số 1 đã phải đốn bỏ hầu hết), đường Nguyễn Huệ với nhiều làn và vỉa hè đan xen, bồn binh cây liễu với với hàng liễu rũ thướt tha ôm gọn đài phun nước, từng là ký ức đẹp và khó quên của người Sài Gòn, cũng như với bất cứ ai từng đến và từng lưu lại Sài Gòn.
Cùng với các yêu cầu về việc “hồi sinh” bồn binh cây liễu, kế hoạch tái lập đường Lê Lợi trước ngày 20/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cũng giao Sở Giao thông vận tải Thành phố chuẩn bị nội dung để làm việc với các tỉnh liên quan về dự án đường Vành đai 4, trình phương án quy hoạch về hệ thống đường sắt kết nối vùng và quy hoạch chi tiết hệ thống các nút giao trọng điểm trên địa bàn Thành phố.
Cùng với đường Lê Lợi có nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát (dự án metro số 1 đã phải đốn bỏ hầu hết) và đường Nguyễn Huệ, bồn binh cây liễu với với hàng liễu rũ thướt tha ôm gọn đài phun nước, từng là ký ức đẹp và khó quên của người Sài Gòn, cũng như với bất cứ ai từng đến và từng lưu lại Sài Gòn.