09:00 13/10/2024

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo lạc quan

Ngân Hà

Mặc dù Việt Nam vừa phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của siêu bão Yagi, song triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 vẫn được đánh giá tích cực...

Trong tháng 9/2024, nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia quốc tế đã có những nhận định tích cực, lạc quan về tình hình phát triển kinh tế và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng GDP của Việt Nam.

ADB DỰ BÁO GDP CỦA VIỆT NAM ĐẠT 6,2% NĂM 2025

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cuối tháng 9/2024 đã dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam sẽ đạt mức 6% năm 2024 và tiếp tục cải thiện lên 6,2% vào năm 2025.

Ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã tăng nhẹ lên 52,4 điểm vào tháng 8/2024, cho thấy sự phục hồi vững chắc của ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Với đà này, ngành công nghiệp sẽ tăng trưởng 7,3% trong năm 2024 và tiếp tục đạt 7,5% vào năm 2025. Lĩnh vực xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai đúng tiến độ.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 8 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 77% trong tổng số vốn FDI (tương đương 13,6 tỷ USD) được đầu tư vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Về xu hướng trong tương lai, FDI sẽ tiếp tục tăng vào Việt Nam và hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu. Tuy vậy, ngành dịch vụ cũng được sẽ tăng trưởng khiêm tốn với mức 6,6%, nhờ sự phục hồi của du lịch và các dịch vụ liên quan.

Về lạm phát, lạm phát sẽ có mức tăng nhẹ khoảng 4% cho cả năm 2024 và 2025. Dù vậy, những rủi ro từ căng thẳng địa chính trị, bao gồm các cuộc xung đột ở Trung Đông và Nga - Ukraine có thể tác động tới giá dầu, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát.

Mặc dù vẫn đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là vẫn còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt do sự dịch chuyển thương mại từ việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hàng may mặc, dệt may và điện tử. Ngoài ra, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cũng là những thách thức đáng kể cho nền kinh tế của Việt Nam.

Để duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn tới, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Việc tăng cường nhu cầu trong nước đòi hỏi các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đồng thời duy trì lãi suất thấp. Sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ là cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu nội địa còn yếu.

Việt Nam cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất, từ đó tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

IMF NÂNG DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG VIỆT NAM 

Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ kết thúc vào cuối tháng 8/2024, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5% bất chấp nhiều thách thức, nhờ các chính sách quyết liệt của Chính phủ. Những xáo động trong thị trường bất động sản, căng thẳng về tài chính và xuất khẩu giảm mạnh đã tác động tới nền kinh tế.

Từ cuối 2023, tăng trưởng bắt đầu phục hồi nhờ xuất khẩu và du lịch, cũng như chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng. Vì thế, IMF dự báo GDP năm 2024 tăng 6,1%, cao hơn so với mức gần 6% trong báo cáo của tổ chức này hồi tháng 6/2024. Tuy nhiên, các rủi ro với kinh tế Việt Nam vẫn cao.

8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu về trên 265 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế - có thể đi xuống nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị kéo dài hoặc tranh chấp thương mại tăng.

Cùng với đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ì ạch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, làm suy giảm sự ổn định tài chính. Áp lực tỷ giá có thể kéo dài khi chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tháng 7/2024, tiền đồng Việt Nam  từng mất giá gần 5% so với USD từ đầu năm 2024. Đến đầu tháng 8/2024, tỷ lệ này giảm còn 3,85%.

IMF đánh giá Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh để ổn định vĩ mô khi quá trình phục hồi sau đại dịch gặp nhiều thách thức trong và ngoài nước. Tổ chức này cũng hoan nghênh việc Việt Nam sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, ban hành Quy hoạch điện 8 và kế hoạch xây dựng Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để đạt mục tiêu về khí hậu và thúc đẩy an ninh năng lượng. Song, Việt Nam cần cải cách sâu rộng hơn nữa và đảm bảo tăng trưởng xanh, toàn diện trong trung hạn. Đầu tư công và mở rộng an sinh xã hội cũng cần được đẩy mạnh. Khuôn khổ tài khóa, quy trình lập và tăng thu ngân sách trong trung hạn cần củng cố để hỗ trợ kế hoạch phát triển.

Thời gian tới, IMF cho rằng cơ quan chức năng nên tiếp tục thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và tăng sức chống chịu của hệ thống tài chính. Họ cũng nhấn mạnh nhu cầu cải thiện bộ công cụ để ngăn ngừa và quản lý các khủng hoảng ngân hàng.

WB ĐIỀU CHỈNH DỰ BÁO GDP NĂM 2024 CỦA Việt Nam  6,1%

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/10/2024 nhận định GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 6,1% và năm 2025 là 6,5%, tăng cao hơn mức được dự báo được đưa ra hồi tháng 4/2024 lần lượt là 5,5% và 6%. Với dự báo này, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Phân tích về trường hợp Việt Nam, báo cáo của WB nhận định Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách “kết nối” các đối tác thương mại lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chứng kiến doanh thu tăng gần 25%, nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò “kết nối một chiều” khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng.

Các nước láng giềng của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của nước này trong 3 thập kỷ qua, nhưng quy mô của động lực đó hiện đang giảm dần. Cùng với đó, bất ổn toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khu vực.

Một trọng tâm đặc biệt của báo cáo là xem xét cách các quốc gia trong khu vực có thể tận dụng các công nghệ mới để tiếp tục tạo việc làm cho người dân của họ. Robot công nghiệp, trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng kỹ thuật số đang tác động đến thị trường lao động trong khu vực. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, việc áp dụng robot đã giúp tạo ra việc làm cho khoảng 2 triệu người.

Các lao động chính thức có tay nghề cao do năng suất cao hơn và quy mô sản xuất tăng lên cũng như nhu cầu về các kỹ năng bổ sung, nhưng robot cũng đã thay thế khoảng 1,4 triệu (3,3%) lao động chính thức có kỹ năng thấp ở các nước ASEAN-5.

Tỷ lệ việc làm ở Đông Nam Á bị đe dọa bởi AI nhỏ hơn so với các nền kinh tế tiên tiến, nhưng khu vực này cũng kém vị thế hơn để tận dụng các lợi ích về năng suất của AI, vì chỉ có 10% việc làm liên quan đến các nhiệm vụ bổ sung cho AI - so với khoảng 30% ở các nền kinh tế tiên tiến”.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2024 phát hành ngày 14/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo lạc quan - Ảnh 1