Triển vọng thị trường dầu thế giới năm 2024
Thị trường dầu mỏ toàn cầu năm 2023 đứng trước rủi ro suy thoái kinh tế và leo thang xung đột địa chính trị. Các nhà đầu tư và giới phân tích dự đoán năm 2024 có thể tiếp tục chứng kiến tình trạng dư cung, trong khi nhu cầu dầu mỏ lại giảm do tăng trưởng kinh tế chậm và căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể diễn biến xấu...
Điều được quan tâm lúc này là liệu kịch bản thị trường dầu năm 2023 có lặp lại trong năm 2024 và liệu chuyển đổi “năng lượng xanh” có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt thị trường năng lượng của thế giới hay không? Bài viết phân tích về thực trạng, kinh nghiệm của các quốc gia, các khu vực lớn trên thế giới như EU, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Trung Đông nhằm rút ra các hàm ý cho Việt Nam.
Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 không thay đổi nhiều so với mức dự báo 2,44 triệu thùng/ngày, duy trì ở mức 2,5 triệu thùng/ngày. Đây là bản báo cáo mới nhất đưa ra trước thềm cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+) diễn ra vào tháng 11/2023. OPEC+ nhất trí rằng, kể từ tháng 12/2023, sản lượng dầu sẽ được cắt giảm 2 triệu thùng/ngày (tương đương 5% nhu cầu thế giới) nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu (OPEC, 2024).
NHU CẦU DẦU CỦA THẾ GIỚI
OPEC đánh giá rằng sự hồi phục đáng kể của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu đang được dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là nguyên nhân chính khiến tâm lý thị trường trở nên lạc quan hơn. OPEC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ lên 2,3% cho năm 2023 từ mức 2%, và lên 0,9% cho năm 2024 từ mức 0,7% trước đó. Nhu cầu của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức "khỏe mạnh", với lượng dầu thô nhập khẩu trong tháng 10 tăng cao hơn 240.000 thùng/ngày so với tháng 9. Không chỉ riêng OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra dự báo về sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu. Tất cả đánh giá đều cho thấy rằng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng một cách tương đối mạnh mẽ.
Trong năm 2024, dự báo về mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu là 2,2 triệu thùng/ngày, không có sự thay đổi đáng kể so với đánh giá trước đó. Dự kiến nhu cầu dầu sẽ được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của GDP toàn cầu, do cải thiện liên tục về hoạt động kinh tế tại các nước phát triển. Nhu cầu dầu của OECD dự kiến sẽ tăng thêm 0,3 triệu thùng/ngày, đạt 46,1 triệu thùng/ngày. Châu Mỹ Latinh, thuộc khu vực OECD, được xem là đang dẫn đầu về tăng trưởng, trong khi châu Âu và Thái Bình Dương dự kiến sẽ phục hồi từ suy thoái năm 2023, chủ yếu được hỗ trợ bởi nhu cầu về nhiên liệu vận chuyển, đặc biệt là xăng và nhiên liệu máy bay/chất nhẹ.
Ở các nước không thuộc OECD, dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày, đạt 58.3 triệu thùng/ngày. Sự cải thiện liên tục về hoạt động kinh tế, sản xuất ổn định và hoạt động vận chuyển chủ yếu tại Trung Quốc, khu vực Trung Đông, Ấn Độ và Châu Mỹ Latinh, dự kiến sẽ chiếm đa phần của tiêu thụ dầu. Về sản phẩm dầu, nhiên liệu vận chuyển - máy bay/chất nhẹ, xăng và dầu diesel - dự kiến sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng nhu cầu. Dự kiến nguyên liệu dẫn xuất cũng sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu ở khu vực không thuộc OECD. Tuy nhiên, dự báo này phụ thuộc vào các diễn biến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những diễn biến không chắc chắn của ngành hóa chất của OECD.
TÌNH HÌNH NGUỒN CUNG DẦU MỎ
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã phát cảnh báo về tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu năng lượng trên thị trường toàn cầu. IEA cho biết, nhu cầu về năng lượng đang tăng cao do sự phục hồi kinh tế toàn cầu, trong khi sản xuất dầu mỏ vẫn ở mức thấp do các quốc gia sản xuất dầu thực hiện chính sách giảm sản lượng. Hơn nữa, các quốc gia sản xuất dầu đang giảm đầu tư vào các dự án thăm dò mới. Do đó, giá dầu đang tăng mạnh và một số quốc gia đang tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu. IEA cảnh báo rằng tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.
Trong tháng 10/2023, sản lượng dầu của Nga đã tăng khoảng 55 ngàn thùng/ngày so với tháng trước, đạt mức trung bình 10,9 triệu thùng/ngày. Sản lượng này bao gồm 9,5 triệu thùng dầu thô và 1,4 triệu thùng khí hóa lỏng từ dầu và dầu condensate. Năm 2023, dự kiến sản lượng dầu của Nga được dự kiến giảm 0,4 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 10,6 triệu thùng/ngày, Năm 2024, dự kiến sản xuất chất lỏng của Nga sẽ duy trì ổn định so với năm trước, ổn định ở mức trung bình 10,6 triệu thùng/ngày.
Ngoài việc triển khai nhiều dự án ở các mỏ dầu, đặc biệt là các dự án trọng điểm tại Rosneft, Russneft, Lukoil, Gazprom, Neftisa và TenderResurs, dự báo vẫn cho thấy sự giảm sản lượng dầu thô do suy giảm khai khác ở các mỏ lâu năm. Hiện tại, Nga vẫn duy trì việc cung cấp 80% nguồn năng lượng cho các nước thân thiện như Trung Quốc, Saudi Arabia và Ấn Độ để tăng cường doanh thu và quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, Nga đang phải đối mặt với các áp lực từ EU về quy định về khí thải và biện pháp xử lý khí hậu, yêu cầu giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo...
MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ
Một là, OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng dầu kể từ động thái cắt giảm 5% sản lượng toàn cầu vào cuối năm 2022. Saudi Arabia đang lo ngại kế hoạch xuất khẩu và tiêu thụ năng lượng của Hoa Kỳ và EU sẽ khiến giá dầu giảm trên diện rộng và ảnh hưởng đến chính mình trong tương lai. Quyết định giữ nguyên sản lượng được thông qua bất chấp Hoa Kỳ gây áp lực đòi OPEC bơm thêm dầu để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đang xem xét mọi biện pháp khả dĩ để cải thiện mối quan hệ đối ngoại với các nước OPEC. Mức cắt giảm này vẫn tiếp tục có hiệu lực đến hết năm 2024, tuy nhiên sẽ xem xét đến khả năng điều chỉnh vào cuối tháng 3/2024.
Giá dầu thô đã liên tục giảm trong nhiều tuần, mặc dù nhóm OPEC+ đã thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng. Trong lịch sử, các giai đoạn suy thoái kéo dài khoảng 1-2 năm thường đi kèm với biến động không ổn định của giá dầu và sản lượng dầu của OPEC+ đã giảm đáng kể, đặc biệt là trong các khủng hoảng năm 1973, 1979, 1990 và 2007. Tình hình này đặt ra nguy cơ về lịch sử lặp lại khi việc cắt giảm sản lượng không còn có hiệu quả trong việc duy trì giá dầu ổn định trong trung hạn. Tuy nhiên, IEA cũng dự báo thị trường dầu sẽ chuyển từ tình trạng thiếu cung sang dư cung từ đầu năm 2024 do tăng trưởng nhu cầu dầu giảm chậm.
Hai là, mặc dù giá dầu thô giảm, nhưng doanh thu xuất khẩu của Nga vẫn đạt mức kỷ lục, đến đỉnh điểm vào tháng 10/2023, không chịu tác động đáng kể từ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác. Số liệu từ Bộ Tài chính Nga cho thấy kim ngạch xuất khẩu đạt 16,5 tỷ Euro, tương đương 1,6 nghìn tỷ Ruble. Mặc dù mức giá cảng dầu Nga bị giới hạn theo lệnh trừng phạt của phương Tây từ tháng 12/2022, nhưng hầu hết dầu của Nga vẫn được bán với giá trên 60 USD/thùng trong tháng 10/2023...
HÀM Ý ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Thứ nhất, Việt Nam cần tăng cường tinh thần tự lực, tự chủ và nâng cao khả năng thích ứng với những thách thức mới, trong bối cảnh nước ta đang đóng vai trò quan trọng và có vị thế trung tâm trong chiến lược của các quốc gia lớn. Chính sách trung lập không chỉ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm nhiều nguồn cung, mà còn xây dựng nền tảng an ninh tập thể dựa trên tôn chỉ hòa bình. Điều này có thể giúp tối ưu hóa lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của Việt Nam trong môi trường quốc tế biến động.
Thứ hai, công tác thăm dò và quá trình hội nhập vào thị trường dầu khí quốc tế của Việt Nam có thể đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu giảm nhiệt tại Đông Âu và Trung Đông. Để vượt qua những thách thức này, Chính phủ cần thiết lập chính sách chuyển đổi năng lượng có tính bền vững, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực kéo dài đối với nền kinh tế Việt Nam...
Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam