Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm
Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm - động thái mới nhất cho thấy nước này trả đũa việc Mỹ và đồng minh của Mỹ hạn chế bán con chip tiên tiến cho các công ty Trung Quốc...
Theo tờ Financial Times, biện pháp của Trung Quốc có nguy cơ đẩy cao căng thẳng địa chính trị giữa hai bên xung quanh việc kiểm soát tài nguyên toàn cầu và các chuỗi cung ứng công nghệ. Đối với phương Tây, động thái của Bắc Kinh một lần nữa khẳng định vị thế thống trị của Trung Quốc đối với những bộ phận rộng lớn trong các nguồn tài nguyên quan trọng của thế giới. Trung Quốc nắm quyền kiểm soát một tỷ trọng lớn trong chuỗi cung ứng đất hiếm - những nguyên liệu giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực năng lượng sạch và sản phẩm quốc phòng.
Hôm thứ Năm vừa rồi, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố cấm xuất khẩu công nghệ dùng trong chiết xuất và phân tách đất hiếm và trong một số nam châm đất hiếm. Cơ quan này không đưa ra bất kỳ giải thích nào về động thái này.
Lệnh cấm trên được đưa ra sau khi giới chức Trung Quốc năm nay bắt đầu yêu cầu giấy phép xuất khẩu bổ sung đối với các nguyên tố gồm gallium, germanium và graphite - những vật liệu mà nguồn toàn cầu cung chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc và giữ vị trí quan trọng trong sản xuất công nghệ.
Những tháng gần đây, giới chức Trung Quốc đã nhấn mạnh vấn đề an ninh quốc gia như lý do chính cho các biện pháp kiểm soát này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia xem việc Bắc Kinh áp sự kiểm soát như vậy là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang dựa vào vị trí thống trị của mình trong chuỗi cung ứng công nghệ sạch toàn cầu để đáp trả các biện pháp hạn chế thương mại được mở rộng bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Kể từ khi ông Biden lên cầm quyền, Washington đã mở rộng các biện pháp hạn chế từ cấm bán công nghệ chip hiện đại cho Trung Quốc tới tăng cường ngăn chặn các nhà sản xuất pin và ô tô điện Trung Quốc tiếp cận với chính sách trợ cấp hào phóng của Chính phủ Mỹ.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc chiếm khoảng 60% sản lượng khai mỏ đất hiếm của thế giới, nhưng chiếm tới gần 90% hoạt động chế biến và tinh luyện đất hiếm.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu từ lâu đã lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc về đất hiếm và nhiều vật liệu, tài nguyên khác sử dụng trong lĩnh vực công nghệ sạch.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính phủ, sản lượng các loại oxide đất hiếm của các quốc gia ngoài Trung Quốc đã tăng gấp khoảng 4 lần lên mức 90.000 tấn trong vòng 7 năm tính đến năm 2022 - theo số liệu của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ vững vị thế đi đầu nhờ tăng gấp đôi sản lượng trong cùng khoảng thời gian lên 200.000 tấn.
IEA dự báo nhu cầu đất hiếm toàn cầu sẽ tăng tới 7 lần trong 2 thập kỷ đến năm 2040, do sự dịch chuyển của thế giới từ sản xuất năng lượng và giao thông dựa vào carbon sang sản xuất năng lượng sạch và ô tô chạy điện. IEA cho rằng các quốc gia thường mất hơn 15 năm để phát triển các dự án khai mỏ đất hiếm từ khi phát hiện cho tới đi vào khai thác, đặt ra lo ngại về việc phương Tây có thể hành động đủ nhanh để “cai” nguồn cung các khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc.
Trung Quốc đã đạt tới trình độ cao về quy trình chiết xuất bằng phương pháp hoà tan để tinh lọc đất hiếm. Đây là công nghệ mà các công ty đất hiếm phương Tây gặp khó khăn trong việc triển khai do tính chất kỹ thuật phức tạp và mối lo ô nhiễm. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, không rõ trước khi có lệnh cấm, Trung Quốc đã thực sự xuất khẩu công nghệ này ở mức độ như thế nào.