10:36 12/10/2016

Trung Quốc cảnh báo New Zealand về biển Đông

Bình Minh

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc va chạm với New Zealand về tranh chấp trên biển Đông, Reuters cho biết

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Chang Wanquan phát biểu tại Diễn đàn Xiangshan ngày 11/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Chang Wanquan phát biểu tại Diễn đàn Xiangshan ngày 11/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Trung Quốc cảnh báo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand rằng các quốc gia không liên quan không nên can thiệp vào vấn đề biển Đông. Theo tin từ Reuters, lời cảnh báo này đưa ra tại một diễn đàn an ninh cấp cao ở Bắc Kinh ngày 11/10.

Trung Quốc “hy vọng các nước không liên quan đến tranh chấp trên biển Đông tôn trọng các nước có tranh chấp tự giải quyết vấn đề với nhau”, bà Fu Ying, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, phát biểu tại diễn đàn Xiangshan - diễn đàn an ninh mà Trung Quốc tổ chức như một câu trả lời đối với diễn đàn an ninh thường niên Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

“Sự can thiệp từ bên ngoài, theo tôi nghĩ như diễn biến tình hình đã cho thấy, chỉ làm phức tạp thêm các khác biệt và đôi khi làm gia tăng thêm căng thẳng”, bà Fu, một cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người giữ vai trò chủ tọa phiên thảo luận, phát biểu.

Phát biểu này của bà Fu được đưa ra như một sự đáp trả đối với phát biểu trước đó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee về quan ngại của nước này về tranh chấp trên biển Đông.

“Chúng tôi phản đối những hành động làm suy yếu hòa bình và xói mòn niềm tin. Chúng tôi muốn tất cả các bên tích cực có các bước tiến nhằm giảm căng thẳng”, ông Brownlee nói.

“Là một quốc gia có hoạt động thương mại trên biển, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), có ý nghĩa quan trọng đối với New Zealand. Chúng tôi ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài [về vụ kiện biển Đông của Philippines] và tin rằng tất cả các quốc gia có quyền tìm kiếm giải pháp quốc tế đó”, ôn Brownlee nói.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc va chạm với New Zealand về tranh chấp trên biển Đông, Reuters cho biết.

Trong phát biểu ngày 11/10, ông Brownlee cũng đề cập đến việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông, bao gồm xây sân bay trên đảo nhân tạo, khiến các nước trong khu vực lo ngại.

“Một nguyên nhân chính khiến căng thẳng gia tăng là hoạt động bồi lấp, xây dựng và triển khai tài sản quân sự ở khu vực tranh chấp”, ông nói.

Sau khi bà Fu phản ứng, ông Brownlee nói với Reuters rằng việc New Zealand bày tỏ lo ngại của mình là hoàn toàn hợp lý, bởi tất cả các bên đều có thể có tiếng nói của mình.

Kể từ khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết vụ kiện biển Đông, Trung Quốc và các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có những động thái nhất định nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.

Phát biểu tại diễn đàn Xiangshan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Chang Wanquan nói Trung Quốc và ASEAN sẽ tổ chức tập trận hải quân chung vào năm tới, nhưng không nói cụ thể. Ông Chang cũng nói Trung Quốc sẵn sàng “quản lý tranh chấp”.

Trao đổi với phóng viên Reuters bên lề diễn đàn, tướng Zulkefli Mohd Zin của Malaysia nói rằng Trung Quốc đã có sự kiềm chế trên biển Đông. Ông Zin cho biết thời gian gần đây không có sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở những khu vực mà Malaysia tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

“Trên thực tế, chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác quân sự với Trung Quốc để xây dựng niềm tin nhằm hiểu nhau tốt hơn”, ông Zin nói.