Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ lương hưu
Vừa được công bố vào cuối tuần vừa rồi, kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng dữ dội...
Trung Quốc công bố kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu theo luật định của nước này - vốn thuộc hàng thấp nhất thế giới - nhằm ứng phó với những hệ lụy của việc dân số đang lão hóa với tốc độ nhanh chóng và một cuộc khủng hoảng quỹ lương hưu đang diễn ra.
Hiện tại, nam giới thành thị ở Trung Quốc có thể nghỉ hưu ở tuổi 60 và hưởng lương hưu từ các quỹ lương hưu của nhà nước. Tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ ở thành thị nước này là 50-55 tuổi tùy theo nghề nghiệp. Người lao động ở khu vực nông thôn của Trung Quốc được áp dụng một hệ thống hưu trí khác.
Theo hãng tin CNN, vừa được công bố vào cuối tuần vừa rồi, kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng dữ dội.
“Theo nguyên tắc tự nguyện và linh hoạt, sẽ thúc đẩy một cách dần dần và có trật tự cải cách tăng tuổi nghỉ hưu luật định”, tuyên bố của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra hôm 21/7 sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 3 cho biết.
Xoay sở với tỷ lệ sinh suy giảm và dân số lão hóa, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bàn về việc tăng tuổi nghỉ hưu trong hơn 1 thập kỷ qua.
Tại Hội nghị Trung ương 3 vào năm 2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng “nghiên cứu và lên kế hoạch” tăng tuổi nghỉ hưu đã trở thành một việc cần thiết. 8 năm sau, ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, Chính phủ Trung Quốc đưa kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu vào kế hoạch 5 năm, đồng nghĩa thay đổi về tuổi nghỉ hưu ở nước này có thể được áp dụng trước năm 2025.
Dù chi tiết của kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu vẫn chưa được công bố, một báo cáo hồi tháng 12/2023 của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc - cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Chính phủ nước này - ước tính rằng sẽ đến lúc tuổi nghỉ hưu 65 được áp dụng cho tất cả các đối tượng.
Năm 2019, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo quỹ lương hưu nhà nước của nước này sẽ cạn kiệt vào năm 2035 do lực lượng lao động suy giảm. Khoảng thời gian chống dịch Covid-19 kéo dài mấy năm - nguyên nhân khiến ngân sách của nhiều chính quyền địa phương suy giảm mạnh - có thể khiến quỹ lương hưu tụt nhanh hơn.
Đầu năm nay, hàng nghìn người cao tuổi ở Trung Quốc đã xuống đường tuần hành ở một số thành phố lớn để phản đối việc chính quyền cắt giảm mạnh các khoản phúc lợi y tế của họ. Những người này lo ngại rằng nhà chức trách đang dùng ngân sách địa phương bù đắp cho sự thiếu hụt của quỹ lương hưu nhà nước.
Cư dân mạng Trung Quốc phản ứng mạnh với việc thay đổi tuổi nghỉ hưu. Nhiều người bất mãn vì phải đợi lâu hơn với được lĩnh lương hưu. Những người trẻ hơn thì lo ngại rằng họ sẽ có ít công ăn việc làm hơn khi người lớn tuổi ở lại trong lực lượng lao động lâu hơn.
Trên mạng xã hội Weibo, hashtag “tăng tuổi nghỉ hưu” đã trở thành chủ đề được nói đến nhiều nhất vào cuối tuần vừa rồi.
Một trong những bình luận nhận được số lượt thích nhiều nhất viết: “Xin hãy nhớ: tăng tuổi nghỉ hưu có nghĩa là bạn sẽ phải đợi đến rất muộn mới được lĩnh lương hưu, chứ không đảm bảo rằng bạn sẽ có công việc để làm cho tới tận lúc đó”.
“Người trẻ đang khó kiếm việc làm, trong khi người già lại không được nghỉ hưu. Các ông đang làm gì vậy? Thế mà các ông lại khuyến khích các cặp vợ chồng sinh 3 con?” một người dùng khác trên mạng Weibo viết, đề cập đến kế hoạch tăng dân số đang trên đà suy giảm của Chính phủ Trung Quốc.
Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục sau đại dịch. Ngay cả sau khi các biện pháp chống dịch được gỡ bỏ, các nhà tuyển dụng vẫn hạn chế tuyển thêm người vì nền kinh tế phục hồi chậm chạp.
Việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt giám sát nhiều ngành, từ công nghệ tới bất động sản và gia sư - lĩnh vực từng sử dụng số lượng lớn nhất sinh viên sau khi ra trường - đã làm mất đi một số lượng việc làm lớn trên thị trường. Tình trạng mất cân đối mang tính cấu trúc càng khiến vấn đề thêm phần nghiêm trọng, với số lượng cử nhân nhiều hơn công nhân dẫn tới việc các nhà máy khó tuyển lao động có kỹ năng phù hợp.
Như một vòng luẩn quẩn, tình trạng thiếu công ăn việc làm có chất lượng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dân số của Trung Quốc. Dù Chính phủ nước này đã nới lỏng hạn chế về số con mà mỗi cặp vợ chồng có thể sinh, mở các chiến dịch toàn quốc khuyến khích các gia đình sinh thêm con, và đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính, nhưng ý muốn có con của người Trung Quốc đang thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.
Dân số Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong 2 năm qua, với tỷ suất sinh năm 2023 của nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949. Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, hashtag “tuổi nghỉ hưu” đã thu hút được khoảng 100 triệu lượt xem tính đến sáng ngày thứ Ba tuần này. “Tăng tuổi nghỉ hưu ‘trên cơ sở tự nguyện’? Chẳng phải cũng giống như thế hệ trước bị buộc chỉ sinh một con ‘một cách tự nguyện’ hoặc sẽ bị sa thải khỏi cơ quan nhà nước hay sao?” một người dùng viết.