12:21 20/01/2008

Trước thềm IPO hai “ông lớn” ngành bia

Trần Kim Dung - Lê Thị Thư

Ngay từ bây giờ, đã có một số nhà đầu tư đã bày tỏ sự nghi ngại về thành công của đợt IPO tới của Sabeco

Sabeco đang chiếm 35% thị phần trên thị trường bia Việt Nam.
Sabeco đang chiếm 35% thị phần trên thị trường bia Việt Nam.
“Bia Hà Nội” và “Bia Sài Gòn” đang chuẩn bị IPO.

Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường đang suy yếu, mức giá khởi điểm cao cùng với những lo ngại về một tương lai cạnh tranh gay gắt trong ngành bia đang làm nhiều nhà đầu tư băn khoăn.

Nghi ngại

Thị phần bia tiêu thụ trong nước hiện chủ yếu thuộc về các công ty lớn trong nước và một số nhà sản xuất nước ngoài.

Trong đó, hai tổng công ty bia của nhà nước gắn liền với hai thương hiệu bia nổi tiếng là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chiếm 35% thị phần và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) chiếm 10% thị phần.

Sabeco sẽ được đấu giá vào ngày 28/1 tới, còn Habeco dự kiến sẽ lùi thời điểm đấu giá vào cuối quý 1/2008. Nhưng ngay từ bây giờ, đã có một số nhà đầu tư đã bày tỏ sự nghi ngại về thành công của đợt IPO tới của Sabeco, khi mà mức giá khởi điểm 70.000 đồng/cổ phần được nhiều ý kiến cho là quá cao.

Sự nghi ngại này là có cơ sở. Ngoài lĩnh vực kinh doanh sản xuất và tiêu thụ bia, Sabeco đang tập trung đầu tư trên 1000 tỷ đồng vào ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, du lịch. Đây là những lĩnh vực vừa không phải là thế mạnh của Sabeco, vừa có mức độ cạnh tranh cao và rủi ro cao.

Bia là mặt hàng tiêu dùng có mức độ cạnh tranh rất gay gắt khi hội nhập WTO. Nhiều thương hiệu bia quốc tế rất nổi tiếng đã có mặt và rất thành công tại Việt Nam như Heneiken, Carlberg... Trong 10-15 năm nữa xu hướng tăng trưởng ngành bia rượu sẽ chậm lại và bão hòa, bởi nhu cầu bia rượu luôn bị hạn chế bởi nhu cầu vật lý của con người.

Mặt khác, việc Nhà nước vẫn còn chiếm cổ phần chi phối hai hãng bia này liệu có là những rào cản cho những cải cách lớn về quản lý và kinh doanh trong thời kỳ hội nhập?

Những con số

Là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bia tại Việt Nam, sản phẩm của Sabeco không chỉ được tiêu dùng rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu sang 24 nước với những thương hiệu nổi tiếng như bia lon 333, bia chai 355...

Trên 30 năm kinh doanh và phát triển, Sabeco đã có tổng tài sản trên 8.600 tỷ VND và vốn chủ sở hữu 6.412 tỷ. Lợi nhuận luôn ở mức cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh chính, Sabeco còn thực hiện đầu tư góp vốn liên doanh, đầu tư vào bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực tài chính.

Cùng với Sabeco, Habeco cũng luôn đạt được tốc độ phát triển cao, trung bình hàng năm từ 20-25%. Sản phẩm của Habeco trở thành một thương hiệu quốc gia và trở thành sản phẩm được ưa thích và đứng thứ 3 tại thị trường bia Việt Nam. Đặc biệt, các sản phẩm của Habeco chiếm lĩnh hầu hết thị trường miền Bắc từ Quảng Trị trở ra.

Tính đến thời điểm 30/9/2007, tổng tài sản của Habeco đã lên đến hơn 2.300 tỷ VND, vốn chủ sở hữu đạt khoảng 2.100 tỷ.

Trong những năm qua, ngành rượu - bia - nước giải khát tại Việt Nam có mức tăng trưởng khá cao, bình quân khoảng 12-14%. Năm 2006, tổng sản lượng bia của cả nước đạt 1.700 triệu lít, trị giá 2,3 tỉ USD.

Cả nước có trên 300 doanh nghiệp sản xuất bia với hơn 400 nhà máy tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội (13%), Tp.HCM (23%), Hải Phòng (8%). Trong số này chỉ có một số ít các công ty được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, tiên tiến, được đầu tư chiều sâu và tiếp thu công nghệ mới vào sản xuất.

Hiện tại, một số công ty sản xuất lớn ở trong nước đã đẩy mạnh sức cạnh tranh. Sabeco đang triển khai xây dựng nhà máy Bia Củ Chi, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Habeco đã khởi công xây dựng nhà máy bia tại Vĩnh Phúc với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và tập đoàn SABMiler (Hà Lan) cũng đã thành lập liên doanh sản xuất bia với công suất khoảng 100 triệu lít/năm với tổng vốn đầu tư là 45 triệu USD.

* Các tác giả bài viết thuộc nhóm phân tích đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI).