16:35 15/02/2011

Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP

Anh Minh

Mô hình PPP có thể giải "bài toán cầu Ghềnh", nếu có cơ chế gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách

Tàu lửa đâm trực diện vào ôtô trên cầu Ghềnh, Đồng Nai - Ảnh: Anh Anh (Tuổi Trẻ).
Tàu lửa đâm trực diện vào ôtô trên cầu Ghềnh, Đồng Nai - Ảnh: Anh Anh (Tuổi Trẻ).
Nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực giao thông để theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế đang khiến cho bài toán vốn càng trở nên khó khăn hơn trong những năm tới.

Từ vụ cầu Ghềnh

Cả nước hiện vẫn còn 10 cầu “dùng chung” cho cả đường bộ và đường sắt như trường hợp cầu Ghềnh (Đồng Nai). Về lý thuyết, các cầu này có hệ thống rào chắn và thiết bị an toàn để vận hành. Tuy nhiên, vụ va chạm giữa tàu hỏa và hàng loạt ôtô gây chết người tại cầu Ghềnh mới đây đã cho thấy, rốt cục lý thuyết cuối cùng vẫn chỉ là lý thuyết.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc, liệu vụ cầu Ghềnh có là bước ngoặt quan trọng để tiến tới thay thế hoàn toàn các cây cầu “đa dụng” như vậy, câu trả lời của ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng An toàn giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải, là: “Một câu hỏi khó trả lời”.

Công việc khả dĩ và ý nghĩa nhất là trước mắt, vẫn theo ông Thuấn, là Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng trực thuộc tiến hành tổng kiểm tra lại các cây cầu chung về thiết bị an toàn, quy trình vi phạm khai thác cầu chung, đội ngũ cán bộ, các phương án tổ chức và điều tiết giao thông... từ đó sẽ có những đề xuất kịp thời, những giải pháp để đảm bảo an toàn.

Trên thực tế, những nỗ lực thay thế các cây cầu “đa dụng” đã được tiến hành từ nhiều năm nay và thực tế đã có một loạt cầu được xây mới để tách riêng đường bộ đường sắt, nhưng bài toán muôn thuở là vốn vẫn chưa được giải quyết.

Theo Vụ Kế hoạch đầu tư thuộc Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2001 - 2010, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông là 270 ngàn tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 112 ngàn tỷ đồng, dẫn tới việc các kế hoạch cải thiện hạ tầng giao thông, trong đó có hạ tầng đường sắt, đã không được hoàn tất như mong muốn.

Kịch bản này dường như đang tiếp diễn khi mà theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2010 - 2015, ngành giao thông tiếp tục cần khoảng 559 ngàn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ có thể đáp ứng khoảng 260 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 45%.

Có thể khẳng định rằng, ngân sách sẽ không thể “ôm” hết nhu cầu vốn cho giao thông, và việc xây dựng một cầu Ghềnh mới chẳng hạn, chắc chắn chưa có giải pháp nếu không có cơ chế gọi vốn bên ngoài.

Tới mô hình PPP

Suốt một thập kỷ qua, ngành giao thông đã xây dựng và áp dụng một số mô hình mới để gọi vốn cho hạ tầng giao thông và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Tổng cộng đã có 26 dự án được triển khai theo mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) với tổng mức đầu tư khoảng 128 ngàn tỷ đồng. Nhưng theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, các dự án đều gặp khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng nên thời gian thực hiện kéo dài, không hấp dẫn nhà đầu tư cũng như các tổ chức tài chính.

Hiện nay sự chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước đang dồn vào mô hình hợp tác nhà nước và tư nhân (PPP) sau khi quy chế thí điểm PPP được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2011.

Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thí điểm mô hình PPP ở dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải và WB, dự án này sẽ được thực hiện với các nguyên tắc: Chính phủ lo chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; phần tài chính mà nhà nước sẽ tham gia sẽ do WB cho vay và phần còn lại sẽ do tập đoàn Bitexco và một số nhà đầu tư khác cùng thu xếp.

Bitexco đã lộ diện như là nhà đầu tư PPP tiên phong trên thị trường, nhưng những nhà đầu tư nào sẽ tiếp bước Bitexco lại cũng là câu hỏi “khó trả lời”.

Vấn đề tiên quyết đối với việc huy động các nhà đầu tư thực hiện mô hình PPP chính là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án. Để đảm bảo dự án “chạy” được, sự tham gia của nhà nước trong việc cấp đất, hỗ trợ tài chính… là những vấn đề rất quan trọng.

Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, do đó, đang đóng vai trò của một dự án mở đường để trong tương lai gần, Việt Nam có thể giải được những bài toán khác như trường hợp cầu Ghềnh.