15:00 19/12/2022

“Tung hoành” thị trường Âu -Mỹ, cá tra vẫn khó “bơi” về thị trường trong nước

Chu Khôi

Trong khi xuất khẩu cá tra đem về 2,4 tỷ USD trong năm 2022, thì lượng cá tra tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn không đáng kể. Nếu tháo gỡ được những điểm nghẽn này thì ngành hàng cá tra sẽ có thêm một kênh tiêu thụ mới, tiềm năng…

Một ao nuôi cá tra tại tỉnh Đồng Tháp.
Một ao nuôi cá tra tại tỉnh Đồng Tháp.

Tại Hội thảo "thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị cá tra" diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội cá tra lần thứ I diễn ra tại TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian qua ngành hàng cá tra gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu mà quên mất thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng. Do phụ thuộc vào thị trường bên ngoài nên mỗi khi thị trường quốc tế diễn biến xấu thì mặt hàng cá tra ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng nề.  

KHÓ TIÊU THỤ NỘI ĐỊA, VÌ ĐÂU?

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa mỗi năm lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân của người Việt khoảng 35 kg/năm và dự báo đạt 44 kg/người/năm từ năm 2020 trở đi. Thế nhưng, khối lượng và giá trị cá tra tiêu thụ ở thị trường trong nước lại không đáng kể, ước tính chỉ vài trăm tỷ đồng.

Theo ông Toản, chương trình quảng bá, tiêu thụ cá tra và sản phẩm cá tra tại thị trường miền Bắc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai từ năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay người tiêu dùng miền Bắc vẫn chưa mặn mà tiêu thụ sản phẩm này. Có quá nhiều nguyên nhân khiến cá tra vẫn “hụt hơi” tại thị trường nội địa.

 

"Sản phẩm cá tra không chỉ có cá tra phi lê, cắt khúc hay nguyên con mà đang có khoảng 80 sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao như: cá tra giả lươn, cá tra tẩm bột, xúc xích… Đây là tiền đề để cá tra “bơi” vào thị trường nội địa".

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex.

TS. Huỳnh Văn Hiền, Khoa thủy sản Trường ĐH Cần Thơ, cho hay qua khảo sát cho thấy chỉ có 3,75% sản lượng cá tra nuôi được bán cho thương lái để phục vụ thị trường nội địa; 96,25% sản lượng cá tra được bán cho cá nhà máy chế biến. Sau khi cá tra được chế biến thì chỉ có 2,25% sản phẩm được bán ở thị trường nội địa, sản lượng còn lại phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Như vậy, lượng cá tra tiêu thụ nội địa (bao gồm cả cá tươi, đông lạnh, và chế biến) mới chỉ chiếm hơn 6% trong tổng sản lượng cá tra thu hoạch của cả nước.

Lý giải về vấn đề này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dễ dàng tiếp cận với nhiều loài thủy sản khác nhưng sức tiêu thụ cá tra còn ít. Trong khi tại thị trường miền Bắc, tuy rất chuộng con cá tra nhưng cũng không thích ăn sản phẩm đông lạnh, điều này rất khó cho kênh phân phối vì đi xa thì không còn cách nào khác là phải cấp đông.

Việc chế biến thành các sản phẩm ăn liền cũng gặp khó vì khẩu vị của từng vùng, miền khác nhau. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp chế biến cá tra vẫn khó khăn trong việc xây dựng được kênh phân phối tại thị trường trong nước, bởi lâu nay các doanh nghiệp mới chú trọng thị trường xuất khẩu.

Mục tiêu của ngành cá tra là chiếm 10 - 15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng. Nếu tháo gỡ được những điểm nghẽn này thì ngành hàng cá tra sẽ có thêm một kênh tiêu thụ mới, tiềm năng.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex, cho biết lý do mà thời gian qua mặt hàng cá tra được tiêu thụ tại thì trường nội địa còn ít là do tập quán ẩm thực của người Việt Nam thích sử dụng sản phẩm tươi sống, chưa ưa chuộng các sản phẩm chế biến, đông lạnh.

Tuy nhiên, theo ông Kịch với xu thế phát triển, người tiêu dùng quen tác phong công nghiệp, có ít thời gian vào bếp thì xu hướng thích sử dụng sản phẩm đã chế biến và sản phẩm thịt, cá làm sạch đông lạnh để dễ chế biến. Cùng với đó là việc phải trải qua nhiều tháng thực hiện cách ly xã hội lúc dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng cũng đã quen với các sản phẩm qua chế biến và sản phẩm đông lạnh, đây chính là điều kiện thuận lợi để ngành hàng cá tra đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong thời gian tới.

MỞ “ĐƯỜNG BƠI” CHO CÁ TRA TẠI THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ WinMart thuộc Tập đoàn Masan, nhận định cùng với thành tích xuất khẩu, sẽ tuyệt vời hơn nếu như sản phẩm cá tra tăng cường tiêu thụ tại thị trường trong nước trong thời gian tới.

Ông Tuấn cho biết năm 2020, sản lượng cá tra tiêu thụ trên kênh bán lẻ Winmart là 250 tấn, đến năm 2021 là trên 300 tấn và năm 2022 dự kiến khoảng trên 400 tấn. Mặc dù sản lượng tiêu thụ này còn khiêm tốn so với nhu cầu cũng như khả năng đáp ứng và chinh phục của sản phẩm cá tra đối với thị trường nội địa, tuy nhiên, trong quá trình vận hành, chúng tôi cũng nhận thấy rõ thị hiếu tiêu dùng cũng như tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh hơn nữa sản phẩm chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao này.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn: "Cùng với thành tích xuất khẩu, sẽ tuyệt vời hơn nếu như sản phẩm cá tra tăng cường tiêu thụ tại thị trường trong nước".
Ông Nguyễn Trọng Tuấn: "Cùng với thành tích xuất khẩu, sẽ tuyệt vời hơn
nếu như sản phẩm cá tra tăng cường tiêu thụ tại thị trường trong nước".

Mục tiêu của ngành cá tra đặt ra là chiếm khoảng 15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng. Do đó, việc hoạch định chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, chinh phục người tiêu dùng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có cách tiếp cận cũng như chế biến các sản phẩm cá tra phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người tiêu dùng Việt. Điều này sẽ giúp tăng sản lượng tiêu thụ cũng như hình thành những nhu cầu và thói quen tiêu dùng mới đối với sản phẩm cá tra nói riêng và thủy sản chất lượng cao nói chung.

 

"Cần tiếp tục phát triển quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học nhằm cung cấp bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với chi phí hợp lý, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Từ góc tiếp cận và vai trò của kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm trực tiếp tới bếp ăn của người tiêu dùng, chuỗi bán lẻ WinMart mạnh dạn đề xuất một số giải pháp tăng cường kết nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cá tra.

Thứ nhất, cần thiết kế chính sách phù hợp để tập hợp các nguồn lực phát triển chuỗi giá trị cá tra, từ quy trình giống, nuôi, chế biến đến các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cá tra, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đảm bảo tính minh bạch, quyền tiếp cận và chứng thực chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng.

Thứ hai, tăng cường liên kết giữa đơn vị sản xuất, hợp tác xã, làng nghề với các đơn vị phân phối bán lẻ nhằm phát triển chuỗi cung ứng trong nước hiệu quả, kinh tế, đặt yếu tố đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng ở vị trí trung tâm của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tiếp theo lễ hội cá tra thường niên hoặc định kỳ mang tính quy mô khu vực và địa phương như hôm nay, các nhà sản xuất và chuỗi bán lẻ WinMart nên thường xuyên tổ chức các sự kiện tại điểm bán (bao gồm cả trực tuyến và trực tiếp) nhằm tạo điểm thu hút và tác động ấn tượng tới người tiêu dùng, hình thành “điểm nhớ” trong thói quen mua sắm cũng như thay đổi cấu trúc dinh dưỡng theo hướng tốt hơn mỗi ngày của các bếp ăn gia đình Việt.

Thứ tư, nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng Việt trong tiêu dùng sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng nhằm thiết kế các món ăn chế biến từ cá tra phù hợp và hiệu quả.