10:39 20/12/2024

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động năm 2025 vẫn theo quy định hiện hành

Nhật Dương

Năm 2025 tới, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội vẫn không thay đổi so với quy định hiện hành. Tổng tỷ lệ đóng của cả người lao động và doanh nghiệp là 32%, đây là cơ sở để tính hưởng một số chế độ về bảo hiểm xã hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, với nhiều điểm mới liên quan đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội vẫn không thay đổi so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện hành.

Căn cứ theo các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, năm 2025, tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là 10,5%, bao gồm bảo hiểm xã hội 8% (quỹ hưu trí tử tuất), bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%.

Người sử dụng lao động đóng 21,5%, trong đó gồm 17,5% bảo hiểm xã hội (14% cho chế độ hưu trí; 3% cho chế độ ốm đau - thai sản; 0,5% chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp); 3% bảo hiểm y tế; và 1% bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, tổng tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Đây là tỷ lệ đóng đối với lao động Việt Nam.

Đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2025 là 30%. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 20,5%, bao gồm 14% vào quỹ hưu trí; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% cho chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 3% bảo hiểm y tế. Người lao động nước ngoài đóng 9,5%, gồm 8% vào quỹ hưu trí; 1,5% bảo hiểm y tế.

Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện, có văn bản đề nghị và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận, thì được đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn là 0,3%.

Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1/7/2025, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng, hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Chính phủ sẽ quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm gồm: Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; dân quân thường trực; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

 

Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Các đối tượng được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu, và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng, bao gồm: (i) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

(ii) Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí.

(iii) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.

(iv) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn, thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.