Vàng bị "thất sủng", doanh số mua bán 11 tháng giảm mạnh
Tháng 11/2020, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường giảm 80% so với năm 2013 và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019
Mặc dù có thời điểm giá vàng trong nước biến động tăng kỷ lục theo giá vàng quốc tế nhưng thị trường trong nước vẫn diễn biến ổn định, doanh số mua bán vàng miếng giảm mạnh và duy trì ở mức thấp.
Dịch bệnh khiến vàng trở thành tài sản trú ẩn hoàn hảo, giá vàng liên tục phá đỉnh ở tất cả các thị trường. Ngày 7/8/2020, giá vàng quốc tế đã có dấu mốc lịch sử khi lên mức 2.073 USD/oz.
Cùng ngày, trước biến động tăng giá mạnh trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước đã tăng lên mức kỷ lục 62,2 triệu đồng/lượng, tăng 26% so với thời điểm đầu tháng 7, và tăng 46% so với thời điểm đầu năm 2020.
Kể từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, thị trường vàng trong nước thường diễn ra theo xu hướng lên nhanh hơn, biên độ rộng hơn và ngược lại, giảm chậm, biên độ hẹp ở chiều xuống so với vàng thế giới.
Vì lẽ đó, khi giá vàng quốc tế có xu hướng giảm trở lại, vàng trong nước không kịp điều chỉnh. Từ tháng 8/2020 đến nay, giá vàng trong nước thường cao hơn giá vàng thế giới hơn 2-3 triệu đồng/lượng. Thậm chí vào tuần cuối tháng 11, giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới 4,6 triệu đồng/lượng.
Trong khi, vàng miếng là mặt hàng Nhà nước không cấm nhưng không khuyến khích. Vì vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức nhất định cũng hỗ trợ làm hạn chế nhu cầu nắm giữ vàng miếng trong nền kinh tế.
Thực tế, theo số liệu của Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian gần đây, doanh số mua, bán vàng miếng giảm đáng kể, phản ánh nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm.
Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, doanh số mua, bán vàng miếng trên thị trường duy trì ở mức thấp, giảm 75% so với năm 2013. Tính riêng tháng 11/2020, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp, giảm 80% so với năm 2013 và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, chính sách quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đến nay vẫn có kết quả tốt, mặc dù giá vàng trong nước biến động mạnh theo giá vàng quốc tế nhưng thị trường vàng vẫn diễn biến ổn định.
Được biết, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng.
Bên cạnh đó, kể từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cũng không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, thị trường vàng trong nước tự điều tiết, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Vụ Quản lý Ngoại hối đánh giá: "Khi quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm đáng kể. Nhờ vậy, đến nay một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền, tình trạng "vàng hóa" đã từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm thước đo giá trị, làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát, nhờ đó, thị trường tiền tệ, tỷ giá diễn biến ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong nước".