VCCI đề nghị bảo mật thông tin doanh nghiệp trên nền tảng cửa khẩu số
VCCI cho rằng cần đảm bảo tính bảo mật thông tin của doanh nghiệp, không phải mọi đối tượng đều được truy cập mọi thông tin trên cửa khẩu số…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, góp ý cho dự thảo quyết định ban hành Quy định về quy trình theo dõi, quản lý việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành) trên nền tảng cửa khẩu số.
VCCI hoan nghênh việc triển khai Cửa khẩu số tại Lào Cai, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước; tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất, nhập hàng hóa từ Trung Quốc thuận lợi hơn. Dự thảo cũng đã mô hình hóa quy trình, tạo sự thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi áp dụng.
Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn quy định, VCCI đề nghị quy định trực tiếp và làm gọn, quy trình này quy định về các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành) trên nền tảng cửa khẩu số.
VCCI cho rằng hiện tại Điều 1 của Dự thảo chỉ đề cập đến trình tự, trách nhiệm của các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành) nhưng Điều 2 (Đối tượng áp dụng) bao gồm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Trong Dự thảo còn có các quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp, ví dụ như đăng ký tài khoản dành cho doanh nghiệp, nhập thông tin theo yêu cầu, khởi tạo quy trình trên nền tảng cửa khẩu số…
Do đó, VCCI đề nghị xem xét điều chỉnh Điều 1 để thống nhất với Điều 2 và các nội dung cụ thể khác trong Chương II.
Bên cạnh đó, Điều 2 quy định đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh (doanh nghiệp xuất nhập khẩu), các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi tại khu Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành).
“Như vậy liệu có được hiểu là tất cả các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu bắt buộc phải thực hiện trên nền tảng Cửa khẩu số, các doanh nghiệp chưa làm thủ tục trên nền tảng này có được thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu bình thường?”, VCCI đặt câu hỏi.
Liên quan đến nguyên tắc chung về quản lý, khai thác, sử dụng, cập nhật dữ liệu, tại Khoản 3 Điều 3 quy định “Các thông tin trên nền tảng cửa khẩu số bảo đảm chính xác, rõ ràng, được cập nhật liên tục, kịp thời. Các thông tin được trình bày khoa học, dễ tiếp cận cho người sử dụng và có thể truy cập, khai thác trong mọi thời điểm”.
Khoản 4 Điều 3 có đề cập “Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin, dữ liệu không đúng mục đích, không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu thông tin, dữ liệu; đơn vị quản lý thông tin, dữ liệu có quyền thu hồi quyền khai thác hoặc ngừng chia sẻ, kết nối”.
Trong khi khoản 2 của Điều 7 có quy định “Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu được phép khai thác, sử dụng dữ liệu trên nền tảng cửa khẩu số theo chức năng, nhiệm vụ. Có trách nhiệm bảo mật, an ninh, an toàn đối với những thông tin khai thác”.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định rõ ràng hơn để đảm bảo tính bảo mật thông tin của doanh nghiệp, không phải mọi đối tượng đều được truy cập mọi thông tin trên Cửa khẩu số, như vậy cũng góp phần giảm được nguy cơ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu thông tin.
Ngoài ra, Điều 13 của Chương III (Tổ chức thực hiện) quy định: Khai thác, sử dụng các thông tin liên quan đến người, phương tiện, hàng hoá của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Kim Thành và tra cứu thông tin đăng kiểm của phương tiện trên nền tảng cửa khẩu số.
Theo VCCI, quy định như vậy là chưa rõ ràng, đây có phải là trách nhiệm của doanh nghiệp hay không, và việc khai thác dữ liệu của các doanh nghiệp khác có phải là quyền không.