18:49 03/08/2021

Vì sao Agribank bất ngờ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc?

Ngân hàng Agribank được hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 1,5% và 0,5% lần lượt với tiền gửi không kỳ hạn/dưới 12 tháng và trên 12 tháng, do đặc thù cho vay tam nông...

Ngân hàng Nhà nước hạ dự trữ bắt buộc cho Agribank để hỗ trợ cho vay "tam nông"
Ngân hàng Nhà nước hạ dự trữ bắt buộc cho Agribank để hỗ trợ cho vay "tam nông"

Theo cập nhật của VnEconomy vào chiều ngày 3/8, Ngân hàng thương mại Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND, thời hạn từ tháng 8/2021 đến hết tháng 1/2022 đối với từng loại tiền gửi.

 
Theo Thông tư 14/2018/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước có thể dùng công cụ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 1,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.

Ngoài ra, tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng trở lên là 0,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các ngân hàng đều phải để dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng. 

Vậy, tại sao Agribank được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc?

Cơ sở để được hưởng cơ chế này là dựa trên Thông tư số 14, ngày 29/5/2018 về việc thực hiện các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, trong lúc tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp bị đình trệ, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm bớt gánh nặng cho Agribank. 

 
Các ngân hàng thường có hai khoản mục phải dự trữ chủ yếu gồm: dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh toán. Trong đó, dự trữ bắt buộc sẽ được Ngân hàng Nhà nước trả lãi 0,8%/năm. Còn dự trữ thanh toán không được hưởng lãi và tự chủ động dự trữ.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, đặc thù cấp tín dụng của Agribank có tới 70% - 80% dư nợ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông). Đây là nhóm khách hàng dễ bị tổn thương, hứng chịu nhiều rủi ro nhưng lại giải quyết sinh kế cho hàng chục triệu lao động nông thôn, cung cấp sản phẩm cho xuất khẩu và công nghiệp chế biến. Bởi vậy, dư nợ của nhóm khách hàng này luôn bị áp trần lãi suất, không được thả nổi hoàn toàn theo thị trường. Từ thực tế này, Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt một phần áp lực về việc giam giữ vốn nhằm để ngân hàng dư giả hơn về nguồn khi cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. 

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, thanh khoản Agribank luôn dồi dào, trở thành nhà cung ứng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Việc duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước còn được trả lãi suất 0,8%/năm. Như vậy, khi nhận vốn về từ nguồn đáng lẽ phải dự trữ bắt buộc trong bối cảnh cho vay khó khăn, lại phải dự trữ thanh toán một lượng vốn lớn không sinh lời, hóa ra lại thiệt hơn là để dự trữ ở Ngân hàng Nhà nước. 

Chuyên gia TS. Nguyễn Trí Hiếu giải thích tỷ lệ dự trữ bắt buộc được quy định với hai mục đích.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước sử dụng khi thấy tiền trong nền kinh tế nhiều nên rút vào thông qua biện pháp tăng dự trữ, nhằm buộc các ngân hàng phải giữ tiền mặt trong tài khoản của ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước để hút ròng tiền vào. Hay nói cách khác, dùng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để điều chỉnh cung tiền trong nền kinh tế, tương tự các công cụ trên thị trường mở hiện nay.

Thứ hai, dự trữ bắt buộc cũng được dùng để bảo toàn tính thanh khoản của các ngân hàng. Ví dụ, khi các ngân hàng gặp khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước giảm dự trữ bắt buộc để ngân hàng tăng thanh khoản.