12:11 11/08/2014

Vì sao Đài Loan có thặng dư thương mại lớn với Việt Nam?

An Huy

Nhu cầu hàng Việt của cộng đồng 220.000 người Việt tại Đài Loan là điều cần được quan tâm

Bà Wan-Jung Day, Cục trưởng Cục Thương mại song phương 1, Bộ Các vấn đề kinh tế Đài Loan - Ảnh: An Huy.<br>
Bà Wan-Jung Day, Cục trưởng Cục Thương mại song phương 1, Bộ Các vấn đề kinh tế Đài Loan - Ảnh: An Huy.<br>
“Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Đài Loan, xếp thứ 8 trong danh sách các thị trường xuất khẩu của Đài Loan và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 20 của chúng tôi”, bà Wan-Jung Day, Cục trưởng Cục Thương mại song phương 1 (Bộ Các vấn đề kinh tế Đài Loan) nói trong cuộc trao đổi với VnEconomy.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2013, nhập khẩu của Việt Nam từ Đài Loan là 9,4 tỷ USD, lớn gấp hơn 4 lần xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan là 2,2 tỷ USD. Bà đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng, hàng Việt Nam - nhất là hàng nông sản - khó xâm nhập thị trường Đài Loan do các quy định khắt khe?

Trước hết, cần phải nói về nguyên nhân vì sao Đài Loan có thặng dư thương mại lớn với Việt Nam.

Do chúng tôi có những dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, nên chúng tôi phải xuất khẩu nguyên vật liệu thô và bán thành phẩm sang Việt Nam để sản xuất hàng thành phẩm, từ đó xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Điều này cũng tương tự như mối quan hệ thương mại giữa Đài Loan với Nhật Bản. Chúng tôi có thâm hụt thương mại lớn với Nhật Bản vì Nhật Bản xuất khẩu hàng bán thành phẩm và công nghệ sang Đài Loan để thực hiện công đoạn sản xuất sản phẩm hoàn thiện tại đây.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đúng là chúng tôi có những biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước, nhưng các biện pháp này đều tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Với các quốc gia xuất khẩu nông sản như Việt Nam và Philippines, chúng tôi đều có cơ chế tham vấn thương mại giữa chính phủ với chính phủ. Tuy nhiên, cơ chế này đã bị tạm ngưng nhiều năm nay. Nếu cơ chế này sớm được nối lại, hai chính phủ sẽ cùng thảo luận và cùng hợp tác để thúc đẩy thương mại song phương.

Ngoài ra, hiện có khoảng 80.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng và sinh sống ở Đài Loan, bên cạnh 140.000 lao động Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan.

Tôi cho rằng, nhu cầu hàng Việt của cộng đồng 220.000 người Việt này sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong tăng cường xuất khẩu từ Việt Nam sang Đài Loan.

Sau những sự kiện gần đây trên biển Đông, nhiều người Việt Nam có tâm lý thiếu thiện cảm với hàng Trung Quốc. Bà có cho rằng, đây là một cơ hội tốt để các công ty Đài Loan đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng sang thị trường Việt Nam?

Thời gian qua, Việt Nam quả là “có vấn đề” với Trung Quốc đại lục. Gần đây, sự cố xảy ra ở Việt Nam với các nhà đầu tư Đài Loan cũng có ảnh hưởng nhất định tới quan hệ thương mại Việt Nam - Đài Loan.

Nhưng cũng cần lưu ý, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Đài Loan, xếp thứ 8 trong danh sách các thị trường xuất khẩu của Đài Loan và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 20 của chúng tôi.

Ở Việt Nam, hàng Đài Loan có lúc bị nhầm lẫn là hàng Trung Quốc. Bà có thể giải thích với họ không?


Tôi không nói hàng Trung Quốc tốt hay không tốt. Theo nguyên tắc xuất xứ của WTO,  quốc gia nơi người công nhân làm ra sản phẩm là nơi xuất xứ của sản phẩm.

Hiện nay, có nhiều công ty Đài Loan như Asus hay Acer đặt nhà máy tại Trung Quốc nên sản phẩm của họ là hàng “made in China”, tương tự như điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam hay điện thoại iPhone sản xuất ở Trung Quốc.

Đài Loan là một hòn đảo nhỏ, chúng tôi không có đủ nguồn lực để sản xuất nhiều, nên buộc phải đầu tư sản xuất ở nước ngoài. Như đối với hãng Acer, tỷ lệ sản phẩm sản xuất ở nước ngoài lên đến hơn 90%.

Bên cạnh đó, cũng có một số công ty Đài Loan như HTC không sản xuất tại Trung Quốc. Dù được sản xuất ở đâu, sản phẩm của các công ty Đài Loan đều được thiết kế ở Đài Loan.

Tuy vậy, sản phẩm mà công ty Đài Loan sản xuất tại chính Đài Loan thường là những sản phẩm cao cấp hơn, chẳng hạn chiếc điện thoại HTC đời mới nhất  có giá hơn 600 USD.

Bà có cho rằng, các công ty công nghệ Đài Loan không mạnh bằng đối thủ Hàn Quốc trong vấn đề xây dựng thương hiệu?


Chúng tôi đã nhận thức được về vấn đề này. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Xúc tiến thương mại Đài Loan (Taitra) hỗ trợ các công ty Đài Loan xây dựng thương hiệu.

Nhưng đây thực sự là một công việc khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn và sự đầu tư nhiều nguồn lực. Các công ty của Hàn Quốc như Samsung, LG… nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm trợ cấp trực tiếp, nhưng Đài Loan chúng tôi không làm được điều đó, nên ở đây có sự khác biệt lớn.

Tuy nhiên, Đài Loan sẽ hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho các doanh nghiệp, dù không phải hỗ trợ trực tiếp. Việc hỗ trợ này sẽ được thực hiện thông qua các dự án của Taitra.

Hiện nay, chúng tôi đã có một khu triển lãm ở Đài Bắc, gọi là Taiwan Excellence Hall nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển các thương hiệu của Đài Loan. Hàng năm, chúng tôi tổ chức cuộc thi nhằm tuyển chọn ra những sản phẩm tốt nhất của Đài Loan và triển lãm ở Taiwan Excellence Hall.