16:33 19/08/2022

Vì sao Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa “đóng băng” trong 6 năm?

Thiên Anh

Sau 12 năm hoạt động, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã cho vay 31 dự án từ năm 2013 đến năm 2017. Từ 2017 đến nay, Quỹ không có bất kỳ hoạt động nào...

Trụ sở Sở Khoa học & Công nghệ Thanh Hóa
Trụ sở Sở Khoa học & Công nghệ Thanh Hóa

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (Thanh Hóa) được thành lập theo Quyết định số 3079/QĐ – UBND ngày 27/10/2006 với số vốn cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước là 6 tỷ đồng. Sau 12 năm hoạt động, Quỹ đã cho vay 31 dự án trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017.

Từ 2017 đến nay, Quỹ không có bất kỳ hoạt động nào. Hiện tồn Quỹ đang gửi tại Ngân hàng hơn 8 tỷ đồng. Dư nợ xấu không có khả năng hoàn trả là 497 triệu đồng (gốc: 121.350.000 đồng; lãi: 321.707.000 đồng).

Câu hỏi cần đặt ra là: Vì sao Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ hoạt động kém hiệu quả khi cơ chế về lãi suất rất tốt: hiện tại là 4,8 %/năm tương đương với lãi suất của Ngân hàng Chính sách?

Bên cạnh đó, cần làm rõ quá trình thẩm định, cho vay, quản lý và thu hồi nợ của Cơ quan điều hành Quỹ và Ngân hàng được ủy thác là Agribank Chi nhánh Sầm Sơn đối với khoản vay của Công ty TNHH Minh Thành tại dự án “Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ sản xuất đũa tre, tăm xiên phục vụ xuất khẩu và nội địa”.

Sau 2 năm không hoàn trả gốc lãi đúng kỳ hạn, khoản vay của Công ty TNHH Minh Thành đã chuyển thành nợ quá hạn, nợ xấu và tài sản bị phát mãi.

Tuy nhiên, theo thông tin mà phóng viên có được, năm 2017, ông Thành đã mua lại chính tài sản đảm bảo của mình từ việc xử lý của Tòa án với giá thấp hơn định giá ban đầu của Tổ thẩm định. Số tiền sau khi trả nợ và rút toàn bộ tài sản thế chấp vẫn chưa đủ gốc, lãi. Do vậy, hiện tại, nợ xấu không có khả năng thu hồi đối với khoản vay này là 497 triệu đồng.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Thanh Hóa, Giám đốc Quỹ cho biết sau khi kiện toàn Hội đồng Quản lý Quỹ, sắp tới Quỹ sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các quy trình quy định mới.

Ông Túy cho biết, việc Quỹ hoạt động không hiệu quả lý do chủ yếu do hạn mức tín dụng và thời vay cho vay không phù hợp với thực tế. Chủ yếu, các khoản vay chỉ có hạn mức 500 triệu và thời gian đáo hạn trong 1 năm khiến các doanh nghiệp lựa chọn vay các ngân hàng thương mại mặc dù cơ chế lãi suất của Quỹ rất hấp dẫn.

Cuối tháng 8 này, Quỹ sẽ tổ chức Hội nghị với các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách mới để tái khởi động lại hoạt động của Quỹ sau nhiều năm “chết lâm sàng”.