Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển năng lượng hạt nhân, giảm phát thải
Xu hướng toàn cầu ngày càng chú trọng đến năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch gần như không phát thải khí nhà kính. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển ngành năng lượng hạt nhân của riêng mình, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường...
Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, năm 2024 đánh dấu những thay đổi lớn của ngành hạt nhân. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tái khởi động dự án phát triển điện hạt nhân. Đây là cơ hội tốt cho ngành hạt nhân, đồng thời cũng là một thách thức cho ngành
NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN LÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG SẠCH GẦN NHƯ KHÔNG PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề lớn của thế giới và các quốc gia. Để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm cả nóng ấm toàn cầu và ô nhiễm môi trường, khoa học công nghệ hạt nhân đang trở thành những công cụ hiệu quả, ngày càng có những vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu.
Viện năng lượng nguyên tử cho biết trong nông nghiệp, khoa học công nghệ hạt nhân có thể tạo các giống đột biến mới về cây trồng có thể chống hạn mặn, tạo ra các sản phẩm mới cho chăn nuôi gia súc, loại bỏ các côn trùng có hại cho mùa màng ...
Trong bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ hạt nhân có thể sử dụng để đánh giá nguồn nước ngầm, xử lý rác thải nhựa chống ô nhiễm môi trường nước và không khí, bảo vệ môi trưởng biển…
Trong công nghiệp, khoa học công nghệ hạt nhân dùng để chiếu xạ kiểm dịch phục vụ xuất khẩu, hỗ trợ đánh giá chất lượng các công trình công nghiệp, tránh các hỏng hóc và sự cố có thể xảy ra, tạo ra các sản phẩm công nghiệp mới chất lượng cao và chống cháy nổ hoả hoạn...
Trong y tế, dược chất phóng xạ dùng để chẩn đoán và điều trị ung thư, đem lại cuộc sống kéo dài cho những người bệnh trong bối cảnh bệnh tật tăng lên do ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Vì vậy, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã luôn chú trọng và thúc đẩy khoa học công nghệ hạt nhân. Nhiều dự án quốc tế đã được hình thành như Khoa học công nghệ hạt nhân dành cho Net Zero…
Các chương trình này đã và đang hỗ trợ nhiều quốc gia trên thế giới trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ hạt nhân. Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng, điện hạt nhân đang ngày càng đóng vai trò quan trọng khi trở thành một giải pháp hữu hiệu để cung cấp nguồn điện công suất lớn, ổn định, tin cậy và không phát thải CO2.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tái khởi động dự án phát triển điện hạt nhân. Theo TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, để thực hiện thành công chương trình phát triển điện hạt nhân đòi hỏi Việt Nam phải có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý, vận hành hùng mạnh, năng lực khoa học và công nghệ, sản xuất công nghiệp tốt hỗ trợ cho việc đảm bảo chất lượng trong triển khai xây dựng, đưa vào vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân.
Cụ thể, trước mắt, nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân và an toàn hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng của Viện để có thể tư vấn, hỗ trợ cho Chính phủ và các chủ đầu tư quay lại với chương trình điện hạt nhân, lựa chọn công nghệ phù hợp khi tái khởi động lại các Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trong giai đoạn tiếp theo, TS Thành cho rằng việc triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi Việt Nam phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi gồm nhiều lĩnh vực, để xây dựng một chương trình quốc gia phát triển nghiên cứu, hỗ trợ cho đảm bảo an toàn trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, cũng như nâng cao năng lực nội địa hoá, sản xuất các thiết bị điện hạt nhân.
Phát biểu chỉ đạo về phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại sự kiện mới đây, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh “xu hướng toàn cầu ngày càng chú trọng đến năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch gần như không phát thải khí nhà kính. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển ngành năng lượng hạt nhân của riêng mình, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xác định rõ vai trò, vị trí của mình trong bối cảnh mới, phải là nơi hội tụ tri thức khoa học hạt nhân với sự tập trung của đông đảo đội ngũ chuyên gia và các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng.
Theo Bộ trưởng, điều này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận trước mắt cũng như trong kế hoạch điện hạt nhân dài hạn của Việt Nam.
Cùng với đó, Viện phải thể hiện vai trò tham mưu tư vấn cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Chính phủ về lộ trình và các vấn đề mang tính then chốt; phải là nơi có những nghiên cứu sâu cả về công nghệ và an toàn để dẫn dắt trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và hướng tới dần làm chủ công nghệ, tự chủ trong quá trình bảo trì bảo dưỡng và giải quyết các vấn đề phát sinh; phải là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và khoa học cho cả cơ quan quản lý an toàn hạt nhân cũng như chủ đầu tư, tổ chức vận hành trong tương lai.
NÂNG CAO NĂNG LỰC NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN
Để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua các thách thức trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ hạt nhân; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
Từng bước nâng cao năng lực trong nước nội địa hoá thiết bị điện hạt nhân; hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về năng lượng hạt nhân.
Viện cần đề xuất Chương trình nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia tập trung vào công nghệ, an toàn điện hạt nhân (bao gồm việc đầu tư xây dựng 1-2 phòng lab quy mô quốc gia) nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật hướng đến từng bước làm chủ công nghệ, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng.
Đặc biệt cần chuẩn bị năng lực để tham gia quá trình cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân; xây dựng năng lực về xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Cùng với đó phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan quản lý an toàn hạt nhân trong nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng một số thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thiết; hỗ trợ thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân trong các giai đoạn phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân giúp tích lũy kinh nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực, làm tiền đề cũng như tạo niềm tin trong nước và cộng đồng hạt nhân quốc tế trong việc triển khai các dự án hạt nhân lớn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phối hợp với các vụ chức năng của Bộ nhanh chóng triển khai thực hiện đề án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bước đưa mạng lưới vào hoạt động. Phối hợp chặt chẽ với Vụ Năng lượng nguyên tử xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Viện tập trung ưu tiên nguồn lực phối hợp cùng với các đơn vị tham mưu Ban cán sự Đảng Bộ Khoc học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình mới.
Theo Bộ trưởng, đây là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngành, là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng với lĩnh vực năng lượng nguyên tử, là kim chỉ nam cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam với tầm nhìn dài hạn, được kỳ vọng giúp nâng tầm của ngành tương xứng với vị thế và tiềm năng của năng lượng nguyên tử đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới.