12:45 01/03/2023

Việt Nam và Na Uy hợp tác phát triển ngành nuôi biển bền vững

Chu Khôi

Với đường bờ biển dài tương tự nhau, Na Uy và Việt Nam đều là những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới. Thông qua việc hợp tác cùng nhau, hai nước có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành, và để Na Uy và Việt Nam trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm...

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm.

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad, vào chiều tối 28/2/2023, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo "Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản".

HAI QUỐC GIA ĐỀU NẰM TRONG HÀNG CÁC NƯỚC XUẤT KHẨU THỦY SẢN HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Phát biểu tại hội thảo, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad đánh giá cao mối quan hệ song phương giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản.

"Na Uy và Việt Nam cùng quan tâm tới phát triển công bằng và bền vững nghề cá và ngành thủy sản trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đổi mới công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo thành công. Nhiều cơ hội mới cũng mở ra từ đây để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác truyền thống của chúng ta", ông Erling Rimestad nói.

Ngài Erling Rimestad, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy phát biểu tại hội thảo.
Ngài Erling Rimestad, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy phát biểu tại hội thảo.

Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, nuôi trồng thủy sản và hàng hải, và coi đây là một trong những trọng tâm của hơn 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

 

"Với đường bờ biển dài tương tự nhau, Na Uy và Việt Nam đều là những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới. Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu".

Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam.

“Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 cũng đã đặt ra một số mục tiêu cho ngành thủy sản của Việt Nam trong đó có giảm dần cường lực khai thác nguồn lợi tự nhiên và tăng cường nuôi trồng thủy sản tại các khu vực phù hợp. Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm”, Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken chia sẻ.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy dành cho Việt Nam, đặc biệt ngành thủy sản trong hơn 30 năm qua, từ xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực.

Thứ trưởng Tiến cho hay ngành thủy sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Năm 2022, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực: tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,1% so với năm 2021; tổng sản lượng đạt 9,026 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Quốc vụ khanh Na Uy chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Quốc vụ khanh Na Uy chủ trì hội thảo.

Mặc dù là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, song Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Na Uy tại Đông Nam Á với tổng sản lượng khoảng 50.000 tấn, trong đó, mặt hàng được tiêu thụ nhiều là cá hồi tăng 49% so với năm 2021.

Vào tháng 5/2021, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Na Uy và Việt Nam, hai bên đã ký kết trực tuyến Ý định thư với mục đích tăng cường và phát triển hợp tác trong ngành công nghiệp nuôi biển. Do đó, Thứ trưởng mong muốn sự hợp tác giữa hai nước sẽ đưa ngành nuôi biển của Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

NUÔI BIỂN NHIỀU THÁCH THỨC CẦN HỢP TÁC GIẢI QUYẾT

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết năm 2022, diện tích nuôi biển ở Việt Nam khoảng 9 triệu m³ lồng (bao gồm: 4 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm); tổng sản lượng 717 nghìn tấn, tăng 10,7% so với năm 2021 (648 nghìn tấn), trong đó: cá biển 45 nghìn tấn; tôm hùm 2,5 nghìn tấn; nhuyễn thể 400 nghìn tấn; đối tượng khác 270 nghìn tấn.

Tổng số cơ sở nuôi biển (thống kê chưa đầy đủ) tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.748 lồng bè.

Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nuôi biển. Đó là, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài cá biển như: cá song, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá hồng mỹ, cá giò, sú đất… Nghiên cứu, hoàn thành công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài nhuyễn thể: ngao, tu hài, bào ngư, hàu Thái Bình Dương… Nghiên cứu hoàn thành công nghệ nuôi bằng lồng lót chất dẻo HDPE

Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có thương hiệu.

 

"Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình đột tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại, đóng góp trên 25 tổng sản lượng thủy sản và xuất khẩm các sản phẩm nuôi biển đem về kim ngạch trên 4 tỷ USD".

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản.

Theo ông Luân, ngành nuôi biển của Việt Nam vẫn còn đối mặt với rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, hiện chủ yếu nuôi theo quy trình nuôi lồng bè truyền thống gần bờ, nhỏ lẻ và manh mún, hạ tầng nuôi còn hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh vẫn còn cao.

Thứ hai, doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp còn mỏng, thiếu nguồn lực để đầu tư đồng bộ, nhất là đầu tư vào công nghệ phụ trợ cho nuôi xa bờ.

Thứ ba, liên kết trong chuỗi giá trị giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, con giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối sản phẩm… còn hạn chế.  

Thứ tư, khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, sử dụng thức ăn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn sử dụng cá tạp nên gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, nhân lực tham gia nuôi biển còn ít về số lượng và yếu về trình độ kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành nuôi biển ở quy mô công nghiệp.

Thứ sáu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt do Việt Nam là nước nhiệt đới, nhiều bão gió gây rủi ro cho nuôi trồng trên biển.

Vì vậy, ông Luân bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm của Na Uy trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nuôi biển công nghiệp của Việt Nam từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cá hồi của Na Uy.

Việt Nam có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nuôi biển.
Việt Nam có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nuôi biển.

Tham dự hội thảo, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) - ông Asbjørn Warvik Rørtveit đã chia sẻ về câu chuyện thành công của sản phẩm cá hồi Na Uy. "Cốt lõi của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy là sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống và khoa học hiện đại, coi bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng", ông Asbjørn Warvik Rørtveit nói.

Ngay từ những năm 70, Na Uy đã nuôi trồng và thương mại hóa thành công giống cá hồi Đại tây dương. Bờ biển Na Uy trải dải đến tận Bắc Cực. Đây chính là điều kiện lý tưởng để nuôi cá nước lạnh. Cá hồi được nuôi trong chính môi trường tự nhiên của nó. Na Uy có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững hơn và phát thải carbon thấp hơn.

“Thông qua việc hợp tác cùng nhau, 2 nước có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành, và để Na Uy và Việt Nam trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm”, ông Asbjørn Warvik Rørtveit bày tỏ.

Cũng nhân dịp này, Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) đã công bố kế hoạch hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, năm 2023, NSC sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại của mình ở Việt Nam để ngày càng có nhiều khách hàng biết tới sự hiện diện của hải sản Na Uy. NSC cũng có những chương trình, kế hoạch gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước.