16:10 31/08/2007

Việt Nam vào WTO: Cơ hội cho... Trung Quốc

Trong thế giới cạnh tranh hiện nay, nên nhớ: luôn luôn có cơ hội cho những ai biết kinh doanh

Sức mạnh dẫn dắt cho cạnh tranh hiện nay là nhận diện cơ hội thị trường và chiếm lĩnh, tận dụng được cơ hội đó.
Sức mạnh dẫn dắt cho cạnh tranh hiện nay là nhận diện cơ hội thị trường và chiếm lĩnh, tận dụng được cơ hội đó.
Một bài viết của tác giả Lý Thái Sinh trên tạp chí "Đông Nam Á tung hoành" tháng 5/2007 cho chúng ta hiểu thêm về cách tính toán và tận dụng cơ hội thị trường của Trung Quốc với Việt Nam.

Một kịch bản tưng bừng những cơ hội hiện thực

Lý Thái Sinh đưa ra 3 nguyên tắc: bổ sung ưu thế giữa hai bên, tận dụng các cam kết giảm thuế của Việt Nam, phân công ngành nghề trong hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước, có thể tóm gọn như sau:

Thứ nhất là tận dụng các cam kết giảm thuế. Theo quy định, từ 5-7 năm sau khi vào WTO, Việt Nam phải giảm 3. 800 loại thuế quan, để bình quân từ 17,4% chỉ còn 13,4%. Sản phẩm dệt giảm tới 63%, còn giày, chất dẻo gia dụng, rượu các loại, chè uống, thịt chế biến, ắcquy, các loại tạp hoá đều giảm 20%.

Và từ tháng 1 năm 2007, có 1.800 loại hàng tiêu dùng (gỗ thành phẩm, mô tô, ô tô, hoá chất, dược phẩm, quần áo…) đã giảm thuế đợt đầu tiên, sắp tới càng giảm nhiều hơn, dễ tiêu thụ hơn nữa.

Thứ hai là phân công lại các công đoạn sản xuất và ngành nghề. Do giai đoạn phát triển kinh tế của hai bên khác nhau, Trung Quốc có thể nhờ các nhà máy Việt Nam thực hiện các công đoạn như các sản phẩm thượng nguồn cho ngành chế tạo máy của Quảng Đông.

Trong 11 tháng đầu năm 2006, Quảng Đông đã nhập khẩu từ Việt Nam các loại mạch điện trị giá 23,43 triệu USD, tăng gần 100%; nhập biến thế, chỉnh lưu, cảm ứng điện và phụ tùng trị giá 10 triệu USD, tăng 24,2%... Sau khi Việt Nam vào WTO, doanh nghiệp Trung Quốc càng thuận lợi tiến xa hơn nhờ sự khuyến khích đầu tư của Nhà nước Việt Nam để mở nhà máy, phân bố dây chuyền sản xuất chuyển sang Việt Nam một bộ phận của các ngành thâm dụng lao động như dệt, may mặc, đồ dùng gia đình…

Thứ ba là hợp tác xây dựng cơ bản và năng lượng, đầu tư khai thác khoáng sản của Việt Nam, đầu tư vào ngành điện Việt Nam. Việc tăng nhanh tiến trình thực hiện “hai hành lang, một vành đai” đang thúc đẩy thực hiện các hạng mục cỡ lớn như mỏ quặng nhôm Đăk Nông, nhà máy phân bón mỏ than Quảng Ninh…

Sau WTO, Việt Nam đẩy nhanh hàng loạt công trình giao thông lớn và hạng mục xây dựng cơ bản lớn. Việt Nam đang muốn nâng mức độ tăng trung bình của ngành điện là 17% tương đương hai lần mức tăng GDP, và với lượng phát điện hàng năm tăng 3.800MW, ngành điện cần tới 4 tỉ USD. Chủ trương xã hội hoá đầu tư vốn mang lại cho doanh nghiệp Trung Quốc cơ hội lớn.

Trong xây dựng, Trung Quốc cần tận dụng lợi thế cung ứng thép cho Việt Nam. Hiện sản lượng phôi thép do nội địa Việt Nam sản xuất chỉ đủ cho 25% nhu cầu, năm 2006, có 60% phôi nhập từ Trung Quốc. Thị trường Việt Nam, do thiếu phôi, giá sắt thép tăng, một số doanh nghiệp Việt Nam phải ngưng sản xuất và nhập sắt thép Trung Quốc về. Mà Trung Quốc có chính sách thoái thuế cho thép thành phẩm xuất khẩu nên giá nhập phôi thép từ Trung Quốc lại cao hơn giá thép thành phẩm, thế là…

Thứ tư là củng cố và đẩy mạnh các thị trường có lợi thế sau WTO. Thị trường dược phẩm có thể đi sâu khai thác mạnh hơn và có thể tính đến mở nhà máy, tận dụng nguyên liệu và nhân công tại chỗ để đặt gia công. Thị trường ô tô, Trung Quốc dựa trên nhu cầu đang tăng nhanh tại Việt Nam nhưng kiên quyết “né” thế cạnh tranh bằng giá rẻ.

Về hàng đồ chơi, các thiết bị cho công nghiệp giải trí cũng là thị trường mới cần khai thác. Thị trường vật liệu xây dựng được Trung Quốc coi đang là thời kỳ hoàng kim, cả với công trình hạ tầng lẫn các cơ sở công nghiệp cũng như dân dụng. Thị trường hàng điện gia dụng là thế mạnh của Trung Quốc, theo họ tự nhận xét là sản phẩm nước ngoài đang chiếm tới 70% mà hàng tivi màu, tủ lạnh, điều hoà của Trung Quốc đang bán chạy.

Thuế của 330 loại sản phẩm như máy tính, điện thoại di động, máy ảnh, máy ghi âm… đều giảm xuống còn 0% và nhiều loại khác cũng tiếp tục giảm. Đặc biệt, hàng may sẵn thì nhận định khá mạnh mẽ: cục diện thị trường sẽ thay đổi to lớn và hàng Trung Quốc sẽ chiếm vị trí chủ đạo do trước đây, nhập bằng mậu dịch biên giới nay sẽ tiến mạnh vào theo đường mậu dịch bình thường.

Kinh doanh thời toàn cầu hoá phải vậy. Giờ là tính toán của ta…

Sức mạnh dẫn dắt cho cạnh tranh hiện nay là nhận diện cơ hội thị trường và chiếm lĩnh, tận dụng được cơ hội đó. Quay lại một chút với những điều nóng hổi Philip Kotler vừa nói tuần qua: “Công ty giỏi thì tìm thị trường, công ty siêu giỏi thì sáng tạo ra thị trường”.

Trong phần kết luận toàn bộ bài thuyết trình tại Tp.HCM, ông dành một phần quan trọng cho cơ hội thị trường: “Trong thế giới cạnh tranh hiện nay, nên nhớ: luôn luôn có cơ hội cho những ai biết kinh doanh. Tôi có thể nêu 6 cách cơ bản để tìm cơ hội là tập trung kỹ vào phân khúc thị trường, chú trọng khai thác tính khác biệt, tập trung xây dựng tốt thương hiệu, áp dụng chiến lược Đại dương xanh, luôn cùng phát triển với khách hàng để tìm thị trường từ họ và chú ý phương thức tiếp thị ngang”.

Đối chiếu với các cơ hội thị trường của Trung Quốc nêu trên, ta thấy họ rất “có nghề”. Nghĩ tới Trung Quốc, ta thường nhớ ngay tới hàng nhập “tràn ngập thị trường”. Nhưng giờ thì đâu chỉ có vậy. Cơ hội WTO với họ khá toàn diện. Trung Quốc vừa đầu tư, vừa mua bán với Việt Nam. Họ đang nhập khoáng sản, nguyên liệu và mua sức lao động của Việt Nam qua sử dụng sản phẩm thượng nguồn của Việt Nam như một công đoạn trên dây chuyền.

Giờ họ đẩy mạnh đầu tư nhà máy ở Việt Nam, chắc chắn với hàng loạt máy móc thiết bị đi cùng, để tận dụng các ưu đãi, nguyên liệu, sức lao động và trình độ của các ngành thâm dụng lao động khi họ dần chuyển hướng đi lên công nghệ cao. Họ cũng đầu tư vào năng lượng. Bán hàng, họ củng cố ưu thế giá rẻ, mạng phân phối toả rộng ngấm sâu nhưng cũng tính đến các phân khúc cao cấp, đúng kiểu bám sát chuyển biến nhu cầu người tiêu dùng. Tận dụng chính sách trung ương và thâm nhập sâu từng địa phương.

Không từ bỏ một cơ hội, một lãnh vực nào, các cơ hội vẫn đang được tiếp tục khám phá và mọi phát hiện ở tận các cơ sở đang nhanh chóng biến thành lợi thế, cơ hội chung cho một chiến lược chung khai thác hết mọi nguồn lực và chính sách của đối tác. Hiểu về cách họ xác định và tận dụng cơ hội như vậy đã đủ chưa?