Vốn FDI giảm mạnh gây áp lực lên kinh tế Trung Quốc
Vốn FDI giảm là một nguyên nhân dẫn tới chuỗi dữ liệu gây thất vọng về kinh tế Trung Quốc...
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đang sụt giảm mạnh, làm gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh và các chính quyền địa phương trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc.
Theo tính toán của tờ báo Financial Times dựa trên số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn FDI vào Trung Quốc giảm 34% trong tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, còn 72,8 tỷ nhân dân tệ, tương đương 10 tỷ USD. Đây là tháng giảm mạnh nhất của dòng vốn FDI vào nước này kể từ ít nhất năm 2014.
Vốn FDI giảm là một nguyên nhân dẫn tới chuỗi dữ liệu gây thất vọng về kinh tế Trung Quốc kể từ khi nước này dỡ bỏ các hạn chế chống Covid-19 vào đầu năm nay. Trong tháng 1, vốn FDI vào Trung Quốc tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng kể từ tháng 5 tới nay, tháng nào cũng ghi nhận mức giảm 2 con số của dòng vốn FDI chảy vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dữ liệu về cán cân thanh toán của Trung Quốc cũng cho thấy bức tranh vốn đầu tư nước ngoài xấu đi. Nghĩa vụ đầu tư trực tiếp - một thước đo vốn nước ngoài vào Trung Quốc - là 6,7 tỷ USD trong quý 2 năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2000 và giảm mạnh so với con số 21 tỷ USD của quý 1.
Sự sụt giảm gần đây của dòng vốn FDI vào Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với sự bùng nổ ghi nhận trong đại dịch Covid-19, dù đó là khoảng thời gian nước này đóng cửa để chống dịch. Năm 2022, vốn FDI vào Trung Quốc lập kỷ lục cả năm ở mức 189 tỷ USD.
Chuyên gia cấp cao Brad Setser của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) ở Washington DC nhận định rằng các số liệu FDI nói trên cho thấy “các công ty nước ngoài không còn tái đầu tư vào Trung Quốc”, mà thay vào đó các doanh nghiệp này “đang rút lợi nhuận khỏi Trung Quốc một cách nhanh nhất có thể”.
Các địa phương Trung Quốc - trong khi đang phải đương đầu với khủng hoảng bất động sản và những hệ quả kinh tế do chi phí chống dịch - đang ra sức thu hút doanh nghiệp nước ngoài rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp phải trở ngại do mối quan hệ Mỹ-Trung giảm sút và lời kêu gọi của các nước phương Tây về “giảm rủi ro” (de-risk) trong chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh như vậy, những địa phương vốn có nhiều năm hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài giờ đây đang buộc phải tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Một doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh Giang Tô cho biết các công ty ở tỉnh này đang phải dựa vào nguồn vốn từ chính quyền để thay cho vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie cho rằng một nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI vào Trung Quốc giảm là lãi suất cao ở Mỹ khuyến khích doanh nghiệp Mỹ chuyển vốn về nước. Gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007, trong khi Trung Quốc đang trong thời kỳ nới lỏng các lãi suất điều hành để vực dậy nền kinh tế.
“Lãi suất ở Mỹ đang tiếp tục tăng lên, trong khi lãi suất ở Trung Quốc gần như đi ngang. Điều này tạo ra cơ hội giao dịch hưởng chênh lệch”, ông Hu nói.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu lo lắng về sự suy giảm của dòng vốn FDI. Tại diễn đàn Vành đai và Con đường mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.
“Trung Quốc chỉ có thể làm tốt khi thế giới làm tốt. Khi Trung Quốc làm tốt, thế giới sẽ càng tốt hơn nữa”, ông Tập nói.