Vốn ngoại mua mạnh, vốn nội tranh thủ xả, đà giảm lan rộng
Dù VN-Index chốt phiên hôm nay vẫn trên tham chiếu nhưng diễn biến trong phiên trồi sụt liên tục, thời gian đỏ nhiều hơn xanh. Đáng chú ý là độ rộng co hẹp trong toàn bộ thời gian, phản ánh áp lực bán đang gia tăng trên khắp thị trường và bắt đầu tác động tới giá...
Dù VN-Index chốt phiên hôm nay vẫn trên tham chiếu nhưng diễn biến trong phiên trồi sụt liên tục, thời gian đỏ nhiều hơn xanh. Đáng chú ý là độ rộng co hẹp trong toàn bộ thời gian, phản ánh áp lực bán đang gia tăng trên khắp thị trường và bắt đầu tác động tới giá.
Bối cảnh hiện tại với các thông tin kết quả kinh doanh quý 2/2023 xuất hiện liên tục, thị trường sẽ rơi vào trạng thái phân hóa, có thể thuận theo ảnh hưởng của thông tin, có thể ngược lại. Không nhất thiết thông tin lợi nhuận tốt sẽ làm giá cổ phiếu tăng, vì trước đó biến động đã phản ánh rồi. Vì vậy nếu thị trường không tăng được khi tin tốt xuất hiện, đó là điều cần lưu ý.
Một trong những tín hiệu ngược có thể nhận biết là độ rộng. Nếu thị trường tích cực và nhiều tin lạc quan, độ rộng thị trường phải tốt, phản ảnh số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo mới là hợp lý. Ngược lại, thông tin tốt, dòng tiền mạnh mà giá cổ phiếu lại giảm nhiều hơn tăng tức là có vấn đề. Có thể là dòng tiền mua quá ít hoặc có nhiều người canh để chốt lời áp đảo.
Không giống hôm qua khi chỉ số tăng ít và số lượng cổ phiếu tăng áp đảo trọn phiên, hôm nay toàn bộ thời gian số mã giảm giá lại nhiều hơn tăng giá. Trong các phiên rõ ràng như vậy, câu chuyện chỉ số tăng hay giảm không quan trọng vì giá cổ phiếu giảm nghĩa là đang bị bán nhiều hơn mua. Khi hiện tượng này xảy ra trên toàn thị trường thì chắc chắn không đến từ một tác động thông tin cá biệt.
VN-Index hôm nay có 2 nhịp rơi hẳn xuống dưới tham chiếu, giảm sâu nhất khoảng -0,26% và mức tăng cao nhất buổi sáng khoảng +0,22%, mức đỉnh đạt 1.175,7 điểm, tương đương ngưỡng cao nhất ngày hôm qua. Biên độ dao động hẹp gần giống nhau và điểm khác duy nhất là độ rộng áp đảo ở phía giảm. HoSE kết phiên với 188 mã tăng/272 mã giảm. Trong số này 106 mã giảm trên 1% và 61 mã tăng trên 1%. Ngay cả ở thời điểm VN-Index tăng tốt nhất, cũng chỉ có 171 mã tăng/219 mã giảm.
Biên độ của chỉ số vẫn ổn định, do hiện tượng xoay vòng trong nhóm cổ phiếu trụ vẫn đang diễn ra. VCB, VHM, VIC, VRE là những cổ phiếu trụ hôm qua, phiên này quay đầu giảm. VPB, BID, GAS, TCB nổi trở lại sau phiên điều chỉnh liền trước. Về mặt tác động, không có sự cộng hưởng đủ lớn để tạo sức áp đảo về một phía, nên các chỉ số chỉ có thể duy trì mức dao động hẹp. VN30-Index chốt phiên hôm nay cũng tăng nhẹ 0,19% với 10 mã tăng/17 mã giảm. VN-Index tăng không đáng kể 0,08%, cùng phản ánh rõ sự giằng co ngay trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Một tín hiệu đáng chú ý là thanh khoản trên hai sàn niêm yết cùng giảm: HNX khớp giảm khoảng 17% so với hôm qua trong khi HoSE giảm 12%. Trong khi đó khối ngoại mua vào tăng 70% đạt 1.494,2 tỷ đồng trên HoSE, mức cao nhất 22 phiên. Điều này khiến tỷ trọng mua của nhà đầu tư nước ngoài chiếm xấp xỉ 9% tổng thanh khoản HoSE cả phiên.
Khối này mua ròng mạnh VNM với 185,7 tỷ đồng, tuy nhiên giá cổ phiếu này chỉ tăng nhẹ 0,14%. VHM có lượng mua của khối ngoại chiếm 69% tổng thanh khoản, đạt khoảng 73,3 tỷ đồng, nhưng giá vẫn giảm 0,34%. Loạt cổ phiếu được mua ròng tốt nhất còn lại như HCM +43,3 tỷ, VIC mua ròng 39,5 tỷ, VRE +38,9 tỷ, HPG +36,3 tỷ, PNJ +25,7 tỷ… nhưng tất cả đều giảm giá. Áp lực bán từ các nhà đầu tư trong nước vẫn áp đảo hoàn toàn phát đi một tín hiệu bất lợi. Thực tế nhiều mã đã tăng giá rất tốt nhưng khối ngoại mua mạnh ở thời điểm hiện tại khi kết quả kinh doanh xuất hiện lại là cơ hội cho các nhà đầu tư ngắn hạn thoát hàng.
Dù vậy với biên độ còn khá hẹp như mới chỉ ra phía trên (106 mã giảm quá 1%), lực chốt lời này vẫn chưa gây áp lực hoàn toàn. Biên độ giảm nhẹ và giá có phục hồi vẫn tiếp tục phản ánh lực cầu bắt đáy trong vùng giá đỏ. Thêm nữa vẫn còn khá nhiều cổ phiếu đang bứt phá, tạo các cơ hội thu hút dòng tiền còn tiếp tục vận động thay vì rút về tài khoản. Nhóm cổ phiếu ngân hàng như VPB, STB, TPB, SHB, TCB đều tăng trên 1% với thanh khoản vượt 200 tỷ đồng, thuộc nhóm cao nhất thị trường. VCG, DCM, NLG, POW, HDC, DPM cũng tăng rất tốt và có thanh khoản trên trăm tỷ đồng.
Khi nhiều cổ phiếu giảm giá hơn tăng, điều quan trọng là liệu đó chỉ là hiệu ứng của sự dịch chuyển dòng tiền thông thường - chốt mã này mua mã khác - hay thật sự là hoạt động phân phối. Không có xu hướng tăng nào duy trì được mãi, nhất là khi các yếu tố tác động bất lợi vẫn còn hoặc hiệu ứng thông tin tốt sẽ nhạt dần.