16:59 22/12/2020

Vốn ngoại vào ngành điện: Nhu cầu cấp bách nhưng không "hút bằng mọi giá"

Mạnh Đức

Trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện hơn 133 tỷ USD, và con số này sẽ tăng lên trên 184 tỷ USD trong giai đoạn 2031 – 2045

Trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện hơn 133 tỷ USD, và con số này sẽ tăng lên trên 184 tỷ USD trong giai đoạn 2031 – 2045. Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các dự án điện ngày càng khó khăn. Vì thế, thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) được xem là giải pháp khả thi cho ngành điện thời gian tới.

Theo Chương trình phát triển nguồn điện, tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021-2030 được dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 8,6% giai đoạn 2021-2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026-2030. Dự kiến, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020.

SỨC HẤP DẪN TỪ ĐIỆN TÁI TẠO

Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh điện vào năm 2021; 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt này, ước tính từ nay đến 2030 sẽ cần trên 12 tỷ USD mỗi năm để đầu tư nguồn điện mới. Với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thực tế thời gian qua, hàng chục tỷ USD vốn FDI đã đổ vào ngành điện của Việt Nam, trong đó tâm điểm là các nguồn điện tái tạo. Điển hình như dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG tỉnh Bạc Liêu, có công suất thiết kế 3.200 MW, tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) đầu tư. Đây là dự án 100% vốn nước ngoài lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay.

Tại diễn đàn Cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức vào cuối tháng 7/2020 đã có 5 bản ghi nhớ (MOU) được ký kết về việc hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi giữa các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Thừa Thiên-Huế, ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu chế tạo trong nước, với tổng giá trị dự kiến của các dự án khoảng trên 20 tỷ USD. Trong đó, tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á-TBD Copenhagen Infrastructure Partners (CIP-Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận đã ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất lên đến 3.500 MW, vốn đầu tư 10 tỷ USD. 

Cuối tháng 11/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chọn 4 địa điểm quy hoạch điện khí tại khu vực nam Vân Phong, thuộc Khu kinh tế Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, để trình Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). 

Trước đó, vào tháng 8/2020, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã cho phép Công ty Millennium (Mỹ) khảo sát, nghiên cứu khả thi tổ hợp dự án khí - điện gồm trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và nhà máy điện (công suất 4.800 MW) với tổng vốn đầu tư ban đầu 8 tỷ USD và nâng dần lên 15 tỷ USD. Ngoài ra, Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum cũng của Mỹ đề xuất xây dựng nhà máy điện khí 6.000 MW tại Khu kinh tế Vân Phong.

Ngoài những dự án 100% vốn FDI, thì gần đây, việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án điện tái tạo (mặt trời, gió) từ các nhà đầu tư trong nước qua các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra khá sôi động. Lý do chủ yếu xuất phát từ việc giá mua điện hấp dẫn. Theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, giá mua điện của các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30/6/2019 là 9,35 cent/kWh, cao hơn tương đối so với giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ hiện ở mức bình quân 8 cent/kWh.

Thậm chí, ngay với Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, giá mua điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 cent/kWh và điện mặt trời nổi trên hồ là 7,69 cent/kWh, dù có thấp hơn so với Quyết định 11 nhưng vẫn được cho là sinh lợi tốt so với chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra, cơ chế mua điện theo giá cố định (FIT) hiện tại ở Việt Nam được cho là hấp dẫn hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, khi áp dụng cơ chế đấu giá cạnh tranh với giá bán điện mặt trời 4,5-6 cent/kWh ở Trung Quốc, và 4,2-5,7 cent/kWh ở Malaysia...

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 10/2020, có hơn 100 dự án điện mặt trời (ĐMT) và 11 dự án điện gió với tổng công suất gần 6.500 MW đi vào vận hành thương mại. Trong đó, một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần cho các NĐT nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ảrập Xêút...

Điển hình như Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan vào cuối tháng 3/2020 ra nghị quyết chi 456,7 triệu USD để sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam, gồm: Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam)... hay như, Công ty AC Energy thuộc Tập đoàn Ayala ( Philippines) đã thành lập Liên doanh BIM/AC Renewable để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận...

Theo Bộ Công Thương, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Hơn nữa, khác với các dự án điện than hay điện khí đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. 

Vì vậy, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội.

THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ CÓ CHẤT LƯỢNG

Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra mục tiêu, đến năm 2030 năng lượng sơ cấp đạt khoảng 175-195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125.000-130.000 MW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ KWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 55 cũng nêu rõ, tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng...

Một số chuyên gia đánh giá, Nghị quyết 55 có nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại. Đồng thời, tạo hy vọng lớn về mở rộng kinh doanh cho các doanh nghiệp FDI cung cấp thiết bị, công nghệ, giải pháp hoàn chỉnh cho thị trường năng lượng. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án điện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tại hội thảo huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập (IPP) diễn ra cuối tháng 11/2020, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nêu thực tế, 10 năm tới Việt Nam cần thu hút khoảng 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng một nửa tổng GDP hiện nay của đất nước. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện. Từ 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cửa tiếp cận nguồn vốn ODA được cho là ưu đãi đang khép lại. Nguồn vốn còn lại duy nhất là từ các định chế tài chính quốc tế. Thị trường vốn quốc tế rất lớn, hàng chục ngàn tỷ USD, dư sức thỏa mãn nhu cầu vốn của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và vốn FDI sẽ có ý nghĩa quyết định trong đầu tư các dự án điện. Tuy nhiên, bài toán huy động 13-15 tỷ USD/năm không dễ dàng. Thị trường vốn quốc tế rất lớn có thể đáp ứng nhu cầu vốn của Việt Nam, nhưng dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao, theo đúng quy luật cung - cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, đòi hỏi các chủ thể tham gia thị trường phải tuân thủ.

Từ góc nhìn của PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân), thu hút FDI vào lĩnh vực năng lượng sẽ phải đối mặt với cả lợi ích lẫn nguy cơ. Ngành năng lượng cần đầu tư rất lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng, nhất là trong lĩnh vực điện, nhu cầu này càng cấp bách hơn nữa bởi nguy cơ thiếu điện đã hiện hữu trước mắt. Nhưng không phải vì thế mà chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá, cần phải có chọn lọc. Theo ông Lạng, nên ưu tiên nhà đầu tư châu Âu bởi các nhà đầu tư ở khu vực này thường có uy tín và năng lực tốt. Hơn nữa, các hiệp định thương mại và đầu tư của Việt Nam với châu Âu cũng là bàn đạp cho các nhà đầu tư này thâm nhập thị trường Việt Nam.