VSGE 2024 thảo luận xu hướng toàn cầu hóa, tác động môi trường, phát triển kinh tế
Trong hai ngày 28-29/10, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (HUB) phối hợp với AVSE Global tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về các vấn đề kinh tế toàn cầu (Vietnam Symposium in Global Economic Issues - VSGE 2024)…
Đây là lần thứ 5, diễn đàn VSGE được tổ chức tại Việt Nam. VSGE 2024 mong muốn cung cấp một nền tảng cho các học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi kiến thức, những xu hướng phát triển, tác động của toàn cầu hóa, kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia.
Các chủ đề thảo luận lần này tập trung vào những vấn đề liên quan tới toàn cầu hóa, tác động môi trường và phát triển kinh tế như: Chính sách khí hậu; Rủi ro khí hậu: mô hình hóa và đánh giá; Covid-19 và Kinh doanh Quốc tế; Số hóa và tăng trưởng kinh tế; Hội nhập kinh tế và tài chính; Hiệu suất Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG); Trách nhiệm xã hội và bền vững; Công nghệ, đổi mới và khởi nghiệp; Mạng lưới thương mại, tác động lan tỏa và chính sách; Thương mại, đầu tư và tăng trưởng…
Phát biểu tại phiên khai mạc VSGE 2024, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng HUB cho biết, với bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp, những thách thức mà chúng ta phải đối mặt như biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ hay chênh lệch kinh tế xã hội cho thấy nhu cầu cấp thiết về các giải pháp sáng tạo được thúc đẩy bởi các nguyên tắc kinh tế. Hội nghị VSGE lần này đóng vai trò là nền tảng quan trọng để chia sẻ hiểu biết, thúc đẩy đối thoại và tạo ra các ý tưởng nhằm tăng trưởng và phát triển bền vững.
Nói về chủ đề năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu, PGS.TS Trung cho biết, tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều mong muốn công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tăng năng suất lao động nhưng để AI hoạt động tốt thì nguồn điện phải đảm bảo. Câu chuyện sau xung đột giữa Nga và Ukraine, vấn đề điện mặt trời, thủy điện, điện gió (năng lượng tái tạo) bị ảnh hưởng rất nhiều do biến đổi khí hậu… Do vậy, các nước quay trở đặt vấn đề với điện hạt nhân vì tính ổn định.
Thực tế, các trung tâm dữ liệu lớn của Amazon, Google, Microsoft đều đặt trụ sở gần nhà máy điện hạt nhân. Điều này giúp cho việc thực hành tốt chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, năng lượng tái tạo nhưng cũng đảm bảo hạ tầng năng lượng an toàn cho phát triển kinh tế số, phát triển AI… Liên hệ với thực tiễn tại Việt Nam, chúng ta có thể triển khai đồng bộ rất nhiều cả AI, bán dẫn… từ đó, có những nền tảng tốt, thay đổi cấu trúc của nền kinh tế.
GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh EMLV (Pháp), Chủ tịch AVSE Global, chia sẻ trong hai ngày thảo luận của diễn đàn VSGE 2024, ba lĩnh vực rất quan trọng để giải quyết những thách thức kinh tế toàn cầu hiện nay: Tài chính khí hậu và đổi mới xanh; Kinh tế số và bất bình đẳng; Rủi ro địa chính trị và khả năng phục hồi kinh tế. Bằng cách thúc đẩy nghiên cứu liên ngành và hợp tác quốc tế, VSGE 2024 có thể phát triển các giải pháp sáng tạo cho những thách thức cấp bách và xây dựng một tương lai bền vững và công bằng hơn.
Trình bày tham luận trực tuyến từ Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ, GS. Siqi Zheng, Giám đốc Phòng thí nghiệm Bền vững Đô thị MIT, chia sẻ các vấn đề liên quan đến thế giới đa cực và các cường quốc đã thay đổi như thế nào khi chiến tranh thương mại xảy ra. Đặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ năm 2018 đến nay. Liệu rằng các quốc gia có tận dụng cơ hội để phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có đường biên giới rất lớn với Trung Quốc. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt từ hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng cho đến hạ tầng thông tin.
Tham gia trình bày tham luận và thảo luận tại VSGE 2024, còn có các chuyên gia kinh tế như: Đỗ Quốc Anh, Phó Giáo sư Kinh tế, Đại học Monash (Úc); Wen-Chi Liao, Phó Giáo sư Bất động sản, Trường Kinh doanh NUS, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore…