Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2: Các nhà thầu phải bồi thường 460 tỷ đồng
Sáng 27/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Tòa phúc thẩm nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, các bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm nhưng vẫn thực hiện sai phạm nên việc đưa ra xét xử là cần thiết. Tuy nhiên, HĐXX xem xét các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hợp tác, nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng…
CỰU TỔNG GIÁM ĐỐC VEC ĐƯỢC HƯỞNG ÁN TREO
Đa số các bị cáo là người làm công hưởng lương, có trình độ chuyên môn cao, không tư lợi. Các bị cáo nộp tiền khắc phục, tuy không đáng kể nhưng vẫn được ghi nhận. Do đó, tòa chấp nhận toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo.
Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, ông Tuấn Anh nhận án sơ thẩm 42 tháng tù.
Các bị cáo còn lại là các kỹ sư vật liệu, giám đốc ban điều hành, giám đốc chất lượng… lĩnh án 2 năm – 5 năm tù (án sơ thẩm là 36 tháng – 6 năm) về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản án sơ thẩm thể hiện, giai đoạn 2 của Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư có chiều dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) thông xe tháng 9/2018.
Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân. Các bị cáo bị truy tố với sai phạm xảy ra tại gói thầu A1, A2, A3, A4, A5 dẫn đến thiệt hại hơn 460 tỷ đồng.
Cụ thể, quá trình thi công dự án, các lãnh đạo thuộc chủ đầu tư dự án, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu.
Khi tiến hành nghiệm thu, các bị cáo không thực hiện đo cường độ mô đun đàn hồi trên các lớp vật liệu. Có nhiều hạng mục thi công tiến hành nghiệm thu không có sự tham gia của đại diện ban quản lý. Hội đồng nghiệm thu cơ sở không tiến hành nghiệm thu hoàn thành chuyển bước giai đoạn thi công tổng thể nền đường, tổng thể mặt đường.
Các bị cáo vẫn lập hồ sơ nghiệm thu hoàn thành công trình, đánh giá chất lượng thi công đảm bảo để được thanh toán theo dự toán đã phê duyệt và đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
NHÀ THẦU ĐƯỢC TÍNH THEO HƯỚNG CÓ LỢI
Xét kháng cáo của các nhà thầu, Hội đồng xét xử khẳng định, kết luận giám định thể hiện tuyến đường không đảm bảo chất lượng. Kết quả tranh tụng xác định hành vi của các bị cáo là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả.
Quá trình tổ chức thi công, giám sát sát, các bị cáo thuộc chủ đầu tư, tư vấn giám sát… có trách nhiệm dẫn đến chất chất lượng công trình không đảm bảo. Thực tế trong các hạng mục công trình, các nhà thầu được thanh toán hơn 460 tỷ đồng là không đúng quy định pháp luật.
"Lẽ ra khi chất lượng công trình không đảm bảo, toàn bộ tiền không được thanh toán, thậm chí nếu có sai sót mà không sửa chữa được thì phải bồi thường. Cơ quan tố tụng cũng đã tính toán theo hướng có lợi cho các nhà thầu, đảm bảo đúng nguyên tắc xác định thiệt hại”, bản án phúc thẩm nêu.
Có ý kiến cho rằng thiệt hại chỉ là phần sửa chữa hư hỏng… tuy nhiên, tòa phúc thẩm xác định ý kiến này chưa chính xác. Bởi lẽ, nếu hư hỏng phải sửa chữa kịp thời, điều này không mang tính triệt để, không tuân thủ thiết kế, không có giải pháp nào giúp công trình đạt chất lượng như ban đầu.
Việc sửa chữa chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn, trong tương lai có thể sẽ còn phải sửa chữa nhiều lần, tốn kém trong trung và dài hạn.
Theo các quy định của hợp đồng, các quy định pháp luật cần buộc các nhà thầu phải hoàn trả cho VEC hơn 460 tỷ đồng, tương ứng với các gói thầu không đảm bảo chất lượng. Nếu các bên không hoàn trả thì VEC có quyền yêu cầu các ngân hàng thực hiện bảo lãnh, nếu có tranh chấp.
Trước đó, 5 nhà thầu tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng kháng cáo do không đồng ý với phần trách nhiệm bồi thường 460 tỷ đồng.
Các nhà thầu gồm Tổng công ty Xây dựng số 1 CC1 phải bồi thường hơn 47 tỷ đồng, Tập đoàn Sơn Đông (Trung Quốc) phải bồi thường 129 tỷ đồng, Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc) phải bồi thường 85 tỷ đồng, Lotte E&C (Hàn Quốc) là 127 tỷ đồng, Posco là 71 tỷ đồng.
Quá trình tranh tụng, luật sư Đỗ Mạnh Trường, bảo vệ cho Tập đoàn Lotte E&C cho rằng Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao…”.
Cơ quan tố tụng xác định 10 bị cáo thuộc Chủ đầu tư, 7 bị cáo thuộc Nhà thầu và 4 bị cáo thuộc Tư vấn giám sát đã vi phạm các quy định pháp luật xây dựng.
Do đó, trường hợp tòa án xác định các bị cáo của Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát có hành vi phạm tội theo khoản 3, Điều 224 Bộ luật Hình sự nhưng không xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ là không phù hợp với điều luật trên.
Theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của khoản 4, 5 Điều 585 Bộ luật Dân sự, chủ đầu tư (VEC) không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra và cũng không được bồi thường nếu không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho mình.
Do đó, luật sư cho rằng việc buộc các nhà thầu phải bồi thường là không chính xác, trái với nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trong khi đó,một số nhà thầu khác có ý kiến tách phần dân sự để giải quyết trong vụ án khác. Tuy nhiên, các ý kiến trên đều bị Hội đồng xét xử bác bỏ.