16:02 28/03/2023

Vướng mắc về giao dịch liên kết khi hạn quyết toán thuế đến gần

Trâm Anh

Hàng loạt thắc mắc liên quan đến giao dịch liên kết được doanh nghiệp gửi đến cơ quan thuế khi thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến gần (ngày 31/3). Giới chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để tránh sai sót khi kê khai giao dịch liên kết nhằm tránh bị truy thu, xử phạt sau này...

Nhiều rủi ro về thuế đối với các doanh nghiệp Việt do không hiểu rõ quy định về giao dịch liên kết.
Nhiều rủi ro về thuế đối với các doanh nghiệp Việt do không hiểu rõ quy định về giao dịch liên kết.

Tại chương trình hỗ trợ trực tuyến để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 do Tổng cục Thuế vừa tổ chức, hàng loạt những vướng mắc liên quan đến giao dịch liên kết được doanh nghiệp gửi đến cơ quan thuế.

VAY NGÂN HÀNG, MƯỢN TIỀN GIÁM ĐỐC CÓ PHẢI GIAO DỊCH LIÊN KẾT?

Theo đánh giá, giao dịch liên kết tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế, đặt biệt là trong vấn đề chuyển giá. Do đó, cơ quan thuế hàng năm đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, phòng ngừa sai phạm; cũng như nắm được những vướng mắc, bất cập để từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thống kê trong 9 tháng của năm 2022, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 597 doanh nghiệp có giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.054 tỷ đồng; giảm lỗ 15.722 tỷ đồng; giảm khấu trừ 15 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.132 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 406 tỷ đồng, giảm lỗ 13.903 tỷ đồng.

Trong khi đó, đa số kế toán tại các doanh nghiệp cũng đang rất mơ hồ, không hiểu rõ về khái niệm giao dịch liên kết, dẫn đến doanh nghiệp bị truy thu, xử phạt sau quyết toán thuế.

Gửi câu hỏi đến Tổng cục Thuế, các doanh nghiệp có chung thắc mắc giao dịch vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp có phải là giao dịch liên kết không? Hay có những doanh nghiệp vay vốn ngân hàng ngắn hạn (6 tháng) cao hơn vốn sở hữu nhưng công ty không có nợ trung và dài hạn, như vậy có thuộc trường hợp có giao dịch liên kết không?

Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế dẫn chứng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định số 132).

Theo đó, một trong các bên có quan hệ liên kết đó là: "Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay".

 

Do vậy, "trường hợp một doanh nghiệp vay ngân hàng hoặc được ngân hàng bảo lãnh cho vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với mức vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay thì được xác định là các bên có quan hệ liên kết", Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Khi đó, các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Thuế, trong kỳ công ty không có các khoản nợ trung và dài hạn thì không thuộc trường hợp xác định là các bên có quan hệ liên kết.

Ngoài ra, doanh nghiệp có quan hệ liên kết nhưng không phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 132 thì không phải thực hiện kê khai giao dịch liên kết.

Bên cạnh đó, có ý kiến thắc mắc khi vay mượn tiền không tính lãi của chủ doanh nghiệp thì đây chỉ là giao dịch mượn tiền và không phải là giao dịch liên kết nên không bị khống chế lãi vay cũng như không phát sinh thu nhập chịu thuế.

Cụ thể, gửi câu hỏi đến Tổng cục Thuế, một doanh nghiệp cho biết công ty do thiếu vốn nên đã vay giám đốc với lãi suất 0%, vậy có là giao dịch liên kết không? Cùng với đó, công ty cũng vay ngân hàng để kinh doanh trong 6 năm và trả dần đến năm 2022 thì dư nợ trung và dài hạn không vượt quá 25% vốn chủ sở hữu vậy có phải là giao dịch liên kết không?

Theo Tổng cục Thuế, tại điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132 quy định: "Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.”

Do đó, "nếu công ty có phát sinh giao dịch vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với chủ doanh nghiệp là cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp thì được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó, các giao dịch phát sinh giữa các bên liên kết là giao dịch liên kết và công ty có nghĩa vụ kê khai giao dịch liên kết theo quy định", Tổng cục Thuế nêu rõ.

Tổng cục Thuế lưu ý thêm với trường hợp một cá nhân trực tiếp tham gia điều hành 2 công ty thì 2 doanh nghiệp này được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó, các giao dịch mua bán hàng hóa phát sinh giữa hai công ty được xác định là các giao dịch liên kết và người nộp thuế thực hiện kê khai các giao dịch liên kết này vào Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 132.

DẤU HIỆN NHẬN BIẾT QUAN HỆ LIÊN KẾT

Để làm rõ các trường hợp doanh nghiệp thuộc diện quan hệ liên kết, các chuyên gia tư vấn thuế lưu ý 5 trường hợp sau đây.

Thứ nhất, quan hệ về sở hữu vốn với tỷ lệ 25%, 10% tùy trường hợp.

Một doanh nghiệp nắm giữ ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp khác; một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp, nắm giữ ít nhất 10% tổng số cổ phần của chủ sở hữu doanh nghiệp khác; hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ; hay một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp.

Thứ hai, quan hệ về vay vốn (25%, 10% tùy trường hợp).

Theo đó, một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Thứ ba, quan hệ về quyền quyết định, biểu quyết trên 50%.

Theo đó, một doanh nghiệp chỉ định thành viên trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác; hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba.

Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.

Thứ tư, quan hệ về họ hàng, quen thuộc (quan hệ nội, ngoại 3 đời).

Cụ thể, hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ gia đình.

Thứ năm, quan hệ về thường trú.

Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài là các bên có quan hệ liên kết.

Doanh nghiệp thuộc diện các bên có quan hệ liên kết phải có trách nhiệm tự kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, tự chứng minh nghĩa vụ thuế của mình. Cơ quan thuế có quyền ấn định tỷ lệ lợi nhuận đối với các doanh nghiệp không tuân thủ kê khai, không cung cấp hồ sơ theo quy định.

Trước các rủi ro liên quan đến giao dịch liên kết, các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp cần hiểu và nắm được các nội dung phải kê khai giao dịch liên kết để không bỡ ngỡ, không bị động.

Đồng thời, doanh nghiệp cần hiểu và nắm được định nghĩa giao dịch liên kết để cấu trúc lại mối quan hệ giữa công ty mẹ con, các thành viên trong nhóm các công ty, nhóm tập đoàn; cũng như hiểu mức khống chế lãi vay để cấu trúc lại các khoản vay, hạn chế bị khống chế chi phí lãi vay hợp lý mà không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.