15:09 08/01/2022

WHO lý giải các nguyên nhân khiến biến thể Omicron lây lan mạnh

Hà Lê

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người đã mắc Covid-19 và đã khỏi hoặc người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn tái nhiễm…

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh này lây lan rất nhanh
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh này lây lan rất nhanh

WHO cho rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh này lây lan rất nhanh hiện nay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có tính chất của biến thể và việc người dân tăng tiếp xúc.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, cho hay các đột biến cho phép virus SARS-CoV-2 bám vào tế bào người dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, có yếu tố được gọi là "trốn miễn nhiễm", theo đó người đã mắc Covid-19 và đã khỏi hoặc người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn tái nhiễm. 

 

Sự khác biệt giữa Omicron với Delta và các biến thể khác. Theo đó, Omicron tự nhân đôi ở đường hô hấp trên, trong khi các biến thể trước đó và chủng virus gốc chủ yếu tự nhân đôi ở đường hô hấp dưới, cụ thể là ở phổi. 

Theo WHO, virus cũng lây lan do mọi người tiếp xúc với nhau nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn, không tuân thủ các biện pháp giãn cách vật lý. 

Theo các báo cáo gửi WHO tuần trước, thế giới ghi nhận gần 9,5 triệu ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 71% so với tuần trước đó. 

Biến thể Omicron, phát hiện ở Nam Phi ngày 24/11 vừa qua, hiện đã được ghi nhận ở Australia, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Italy, Hà Lan, Pháp, Nam Phi, Canada... Điều này thêm một lần nữa lại phủ bóng đen lo ngại lên khắp toàn cầu vì những ảnh hưởng từ đại dịch.

Trước sự xuất hiện của Omicron, có 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, biến thể Alpha xuất hiện đầu tiên ở Vương quốc Anh; biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ; biến thể Gamma xuất hiện đầu tiên ở Brazil; còn biến thể Beta và Omicron được phát hiện tại Nam Phi.

Trước khi WHO đưa ra những thông tin chính thức về biến thể Omicron, một số nhà khoa học đã có những phát hiện về phiên bản virus đột biến này.

Theo Newsweek, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding - nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS)  cho biết, siêu biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 500% so với biến thể Delta, và "đây là chỉ số đáng kinh ngạc nhất tới nay".

Trong khi đó, phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.

"Đây là phiên bản virus đột biến nhiều nhất mà chúng ta thấy cho tới nay", nhà virus học Lawrence Young, Giáo sư chuyên ngành ung thư phân tử tại Trường Y Warwick ở Anh cho biết.  

Theo Giáo sư Lawrence Young, Omicron chứa một số thay đổi  từng thấy ở các biến chủng khác, nhưng chưa từng có loại virus nào hội tụ hết các đặc điểm đó. Biến chủng này "rất đáng lo ngại" bởi những virus có số đột biến cao bất thường có thể dễ lây lan hơn, thậm chí né tránh miễn dịch và vô hiệu hóa vaccine

Các nhà khoa học cho biết, các biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi cho tới khi toàn thế giới được miễn dịch. Nhưng cho đến nay, mới chỉ có hơn 50% dân số thế giới đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Điều này đồng nghĩa vẫn còn hơn 3,4 tỷ người chưa được bảo vệ và những người này có thể trở thành “những phòng thí nghiệm” di động để virus SARS-CoV-2 tìm cách phát triển các đột biến mới.