17:07 12/12/2022

Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo

Đỗ Mến

Tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Song thực trạng tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên, tinh giản biên chế… còn nhiều bất cập.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo.

TẠO HÀNH LANG PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển đội ngũ nhà giáo còn vấp phải một số hạn chế, vướng mắc.

Thứ nhất, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối. Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn ra tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ hai, việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc bộ một số hạn chế: tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm, nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác.

Thứ ba, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học. Số lượng biên chế tinh giản trong ngành giáo dục chủ yếu là do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới .

Thứ tư, các chính sách tiền lương mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề.

Thứ năm, thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và tham gia tuyển dụng nhà giáo nên một số môn học, cấp học còn xảy ra tình trạng thiếu nguồn để tuyển dụng.

Thứ sáu, chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật viên chức chủ yếu quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức.

Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.

Kết quả rà soát cho thấy, giai đoạn 2010-2021 có gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Các quy định được ban hành tương đối đầy đủ nhưng chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và toàn bộ. Đơn cử như Luật giáo dục năm 2019 mang tính chất luật khung, những vấn đề về nhà giáo mới chỉ được đề cập khái quát.

Minh chứng là khoản 2, Điều 60 Luật giáo dục năm 2019 quy định về “quyền tham gia tuyển dụng nhà giáo, người lao động trong trường công lập” của các cơ sở giáo dục nhưng trên thực tế rất khó thực hiện do chưa đủ cơ chế cụ thể (nhất là cơ sở giáo dục cấp học mầm non, phổ thông).

Theo Bộ giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng Luật Nhà giáo là phù hợp với Hiến pháp; thống nhất với các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác còn tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, hướng tới sự phát triển của đội ngũ giáo viên.

Đồng thời tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, phù hợp với vai trò, vị thế của nhà giáo.

ĐỀ XUẤT CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ĐƯỢC PHÂN PHỐI THU NHẬP TIỀN LƯƠNG

Theo tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 5 chính sách gồm xác định vị trí, vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tiêu chuẩn, tuyển dụng và sử dụng nhà giáo…

 

Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội xem xét dự án luật này tại kỳ họp thứ Năm của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cần xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo làm động lực để thu hút người giỏi, tạo động lực cho nhà giáo cống hiến, tận tâm với nghề.

Cụ thể, tiền lương của nhà giáo thực hiện theo quy định của Nhà nước và do Chính phủ quy định nhưng đảm bảo nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ, đồng thời từng bước nâng cao; có những ưu đãi cụ thể dành cho nhà giáo giỏi, xuất sắc, nhà giáo trực tiếp đứng lớp.

Đặc biệt, bổ sung quy định các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào các quy định của nhà nước có liên quan, tự chủ xác định biện pháp phân chia thu nhập nội bộ, phân phối thu nhập tiền lương phù hợp với đặc điểm ngành của các cơ sở giáo dục đại học…