Xe buýt Hà Nội kém sức hút: Khó đáp ứng 20% nhu cầu năm 2020
Nhiều hành khách cho rằng xe buýt còn một số bất cập như thời gian di chuyển dài, nhất là vào giờ cao điểm
Nhiều năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho xe buýt phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, để xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vượt quá mốc 20% vào năm 2020 như mục tiêu Hà Nội đề ra thì xe buýt vẫn cần tiếp tục tăng tính hấp dẫn.
Hiện hệ thống xe buýt Hà Nội có 123 tuyến, trong đó 100 tuyến có trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các huyện ngoại thành và tăng tính kết nối, Hà Nội chủ trương điều chỉnh luồng tuyến cho phù hợp theo hướng kết nối các khu đô thị, bến xe, trường học, nên việc đi lại của người dân bằng xe buýt đã tiện lợi hơn rất nhiều, giảm thời gian chờ đợi.
Chỉ tính từ năm 2016 đến 2018, thành phố mở thêm 35 tuyến buýt mới, xóa hết các "vùng trắng buýt": 100% các quận huyện đều được hưởng dịch vụ xe buýt có trợ giá. Đến nay, 100% khu đô thị đã có xe buýt tiếp cận với cự ly dưới 500m tính đến cổng khu đô thị; 67% trường học và 87% bệnh viện đã có xe buýt tiếp cận. 7/9 tỉnh lân cận Hà Nội đã được kết nối bởi buýt kế cận.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, nhiều hành khách cho rằng xe buýt còn một số bất cập như thời gian di chuyển dài, nhất là vào giờ cao điểm. Một số tần suất phục vụ khá thưa (từ 27 - 45 phút) hoặc bỏ chuyến khiến cho hành khách phải mất thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến việc di chuyển.
Ở khu vực ngoại thành, nhà chờ xe buýt ít, không có mái che nên trời nắng, mưa, hành khách chờ đợi rất khổ. Lý giải nguyên nhân bỏ chuyến, đại diện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, do thiếu hạ tầng dành riêng cho xe buýt.
Ngoài BRT được bố trí làn đường riêng, tất cả các tuyến xe buýt còn lại đều phải sử dụng chung đường với các phương tiện khác. Chưa kể, nhiều vị trí dừng đỗ, nhà chờ xe buýt đồng mức với vỉa hè nên khi đón trả khách, xe buýt còn gây cản trở giao thông với các phương tiện khác.
Nói về xe buýt Hà Nội, ông Lâm Quốc Đạt, trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, mạng lưới xe buýt Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập, chưa định rõ chức năng của các tuyến xuyên tâm, tuyến hướng tâm, tuyến vòng tròn. Hệ số trùng tuyến cao, khả năng tiếp cận của người dân trong bán kính tối ưu từ 1,3 - 1,5km là chưa thu hút nhu cầu sử dụng.
Nhằm tiếp tục thu hút hành khách và phát triển, nâng cao chất lượng mạng lưới xe buýt, tại kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Tp.Hà Nội đã thông qua nghị quyết quan trọng, trong đó, có nhiều cơ chế chính sách ưu tiên cho xe buýt phát triển, miễn phí sử dụng xe buýt với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Hỗ trợ 50% giá vé tháng với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và 30% giá vé tháng với cán bộ, nhân viên làm việc văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ mở mới 21 tuyến buýt, trong đó có 4 tuyến buýt sử dụng nguyên liệu sạch, kết nối, thu gom hành khách từ khu dân cư, khu đô thị ra trục chính tại các quận, huyện.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định sẽ nghiên cứu luồng hành khách để có phương án điều chỉnh, hợp lý hóa lại toàn bộ mạng lưới xe buýt Thủ đô. Xem xét triển khai các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên các trục tuyến chính, kết hợp cải tiến, tối ưu hóa tổ chức giao thông để xe buýt vận hành lưu thoát, đáp ứng tiêu chí đúng giờ.