13:38 01/10/2024

Xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đạt hơn 12 tỷ USD, dự báo những tháng tới sẽ rất khó khăn

Chu Khôi

Xuất khẩu gỗ và lâm sản 3 quý đầu năm 2024 ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến 170 nghìn ha rừng trồng bị thiệt hại, nhiều nhà xưởng chế biến gỗ bị bão tàn phá, vì vậy, sản xuất ngành gỗ trong quý 4 được dự báo sẽ rất khó khăn…

Diện tích rừng trồng bị thiệt hại do bão số 3 lên đến 170 nghìn ha.
Diện tích rừng trồng bị thiệt hại do bão số 3 lên đến 170 nghìn ha.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu sản phẩm gỗ đem về 7,84 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu gỗ nguyên liệu đạt 3,533 tỷ USD, tăng 13,1%; xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ 777 triệu USD, tăng 3,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.

SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU QUÝ 4 SẼ RẤT KHÓ KHĂN

Trong 9 tháng năm 2024, trừ 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ lần lượt là 2,7% và 1,4% so với cùng kỳ năm 2023, các thị trường nhập khẩu chính còn lại vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh; trong đó, Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 54,4%, tăng 24,7% so với cùng kỳ 2023; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD và châu Âu đạt 630 triệu USD và đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhận định về tình hình sản xuất và xuất khẩu gỗ trong quý 4, ông Lực cho rằng sẽ rất khó khăn, do bão số 3 vừa qua đã để lại hậu quả rất nặng nề. Thống kê cho thấy có 13 tỉnh thiệt hại về rừng với diện tích 169.588 ha (diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt); trong đó 4 tỉnh thiệt hại nặng nhất là TP.Hải Phòng 10.045ha; Lạng Sơn 19.729 ha; Bắc Giang 26.415 ha và Quảng Ninh 110.713 ha. Nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.

 

"Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm của gỗ 9 tháng đầu năm ước đạt 2,005 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023. Với 12,15 tỷ USD xuất khẩu, toàn ngành gỗ trong 9 tháng xuất siêu 10,145 tỷ USD”.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp.

Trong khi đó, một số thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của nước ta (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc) vẫn còn những khó khăn do chính sách bảo hộ sản phẩm hàng hoá, thực hiện chặt chẽ quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)…. Tình hình thế giới tiếp tục có những xung đột địa chính trị, biến động phức tạp, khó lường; tác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đánh giá: Với chu kỳ trồng rừng sản xuất cây sinh trưởng nhanh (từ 5-7 năm), lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước ước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm. Nguyên nhân bởi các diện tích bị gãy đổ do bão phải trồng lại rừng được 5-7 năm mới đủ điều kiện khai thác.

"Bão số 3 đã khiến khối lượng gỗ nguyên liệu (gỗ nhỏ) bị thiệt hại lên đến 12 triệu m3; chi phí khai thác và vận chuyển cây bị đổ gãy khó khăn, trong khi giá trị gỗ nguyên liệu từ cây bị đổ gãy giảm. Điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ giảm chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu trong những năm tới", ông Trần Quang Bảo nhận định.

NGÀNH DĂM GỖ THIỆT HẠI NẶNG SAU BÃO

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, cho hay toàn tỉnh có 40.000ha rừng trồng thì đến nay chỉ còn khoảng 10.000ha nguyên vẹn, còn lại gãy đổ hết do bão. Có những doanh nghiệp như Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên toàn bộ diện tích rừng không còn cây nào lành lặn.

“Để có được diện tích rừng phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp phải mất 10 năm trồng, chăm sóc và không biết đến bao giờ mới khôi phục được. Hiện 11/13 hệ thống vận chuyển dăm lên cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bị bão đánh tan nát, tàu cũng khó vào "ăn" dăm hơn nên hiện giá dăm đang giảm”, ông Văn nói.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do ảnh hưởng của bão số 3, các doanh nghiệp thuộc Chi hội gỗ dán thiệt hại 130 tỷ đồng; Chi hội Viên nén gỗ bị thiệt hại 70 tỷ đồng; Chi hội Dăm gỗ thiệt hại trên 322 tỷ đồng. Các tỉnh phía Bắc gồm các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ… có 1.950ha rừng trồng nguyên liệu dăm gỗ của doanh nghiệp bị gãy đổ, với tổng giá trị thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng.

 

"Yêu cầu Cục Lâm nghiệp và các địa phương cần chủ động chuẩn bị đủ khoảng 200 triệu cây giống trồng rừng có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cho từng loài cây và điều kiện lập địa cụ thể để phục vụ cho việc trồng lại những diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3".

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thiệt hại về hệ thống băng tải vận tải cảng tại Cảng Cái Lân là 16 băng (trong đó có 11 băng xuất) tương đương giá trị 112 tỷ đồng. Thiệt hại về dăm gỗ ở khu vực cảng Cái Lân là 10.000 tấn tươi; thiệt hại về dăm gỗ ở các cảng, xưởng sản xuất đầu nguồn là 20.000 tấn tuơi,… tổng giá trị tương đương 40 tỷ đồng. Tại 35 xưởng chế biến dăm gỗ ở các tỉnh miền Bắc, thiệt hại trung bình mỗi xưởng khoảng 1 tỷ đồng, tổng là 35 tỷ đồng. Tại các cảng ở các tỉnh miền Bắc bị hỏng thiết bị điện, bàn cân tổng giá trị thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng.

Để kịp thời ổn định thị trường xuất khẩu dăm gỗ, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dăm gỗ đã họp, thống nhất và công khai (đồng thời báo cáo chính quyền địa phương) về khung giá tối thiểu để thu mua gỗ keo phân loại theo tiêu chí về tuổi keo, độ khô và loại gỗ (bóc vỏ/ chưa bóc vỏ), đảm bảo lợi ích cho người dân và các đơn vị liên quan.

Các doanh nghiệp chế biến kinh doanh dăm gỗ các tỉnh phía Bắc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, có ý kiến để các cơ quan chứng năng sớm ban hành các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ, gói lãi suất 0 đồng/ lãi suất thấp, hỗ trợ doanh nghiệp được vay tín chấp,… theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, giao các đơn vị chức năng/các tổ chức cung cấp giống kịp thời hướng dẫn và hỗ trợ về cung cấp giống (keo) với giá thành hợp lý và đủ số lượng để doanh nghiệp sớm triển khai trồng lại diện tích đất rừng đã bị thiệt hại.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Bộ và các địa phương sẽ sớm có các giải pháp hỗ trợ người dân phục hồi diện tích rừng trồng đã bị thiệt hại. 

Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) lập hồ sơ để thanh lý rừng theo quy định; thực hiện khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Sau khi khai thác, tận thu chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi. Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đổ, gãy. 

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu Cục Lâm nghiệp và các địa phương rà soát lại các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án sản xuất, hỗ trợ cây giống trồng lại rừng. Khẩn trương khắc phục, sửa chữa, tiêu độc khử trùng các vườn ươm để đưa vào sản xuất.