14:45 02/03/2023

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 5,7%, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất

Chu Khôi

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2/2023 đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 18,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong khi nhóm hàng nông sản chính tăng 25,9%, thì nhóm lâm sản chính giảm tới 10,7%...

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đang dần hồi phục.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đang dần hồi phục.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của nông lâm thủy sản tháng 2/2023 so với cùng kỳ năm 2022, nhóm nông sản chính đạt 1,79 tỷ USD, tăng 25,9%; chăn nuôi đạt 29 triệu USD, tăng 46,5%; thủy sản đạt 662 triệu USD, tăng 4%. Tuy nhiên, xuất khẩu lâm sản chính giảm tới 10,7%, khi chỉ đạt gần 872,1 triệu USD. Đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD, giảm 5,2%.

XUẤT KHẨU RAU QUẢ TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ

Trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Chè đạt 25 triệu USD (tăng 5,1%); nhóm rau quả đạt 592 triệu USD (tăng 17,8%); sắn và sản phẩm sắn đạt 283 tỷ USD (tăng 32,7%), sữa và SP sữa đạt 16,2 triệu USD (tăng 10,2%), thịt, phụ phẩm 16,9 tỷ USD (tăng 14,2%).

Những mặt hàng giảm gồm: Cà phê 703 triệu USD (giảm 14,6%), cao su 394 triệu USD (giảm 23,1%), gạo 417 triệu USD (giảm 10,8%), hạt điều 327 triệu USD (giảm 14,3%), hạt tiêu 129 triệu USD (giảm 7,4%), cá tra 133 triệu USD (giảm 64,1%), tôm 251 triệu USD (giảm 54,9%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,61 tỷ USD (giảm 34,8%), sản phẩm mây, tre, cói thảm đạt 106 triệu USD (giảm 39,8%).

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 11,99 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu khoảng 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 5,72 tỷ USD, giảm 9,5%; xuất siêu 559 triệu USD, giảm 68,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, xuất khẩu trong tháng 2 tăng, nhưng kết quả 2 tháng vẫn giảm là bởi xuất khẩu nông lâm thủy sản đã giảm quá sâu trong tháng 1.

 

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 2 tháng đầu năm, các thị trường châu Á chiếm 47,4% thị phần;  châu Mỹ chiếm 21,1%; châu Âu chiếm 13,4%; châu Đại Dương chiếm 1,4% và châu Phi chiếm 1,3% thị phần.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần). Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ khoảng 1,19 tỷ USD (chiếm 19,0% thị phần); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị XK đạt 563 triệu USD (chiếm 9,0%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị XK đạt 302 triệu USD (chiếm 4,8%).

Theo Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,37 tỷ USD. Trong đó, nhóm trái cây tươi, thanh long chiếm tỷ trọng lớn nhất và tiếp đến là sầu riêng, chuối, mít…Với nhóm rau, ớt chiếm tỷ trọng lớn nhất, kế đến là đậu các loại, bắp non, khoai tây.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 592 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm đến 57,5% và tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản cho hay xuất khẩu rau quả Việt Nam đang gặp một số thuận lợi khi nhu cầu rau quả thế giới gia tăng và Việt Nam có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do cũng giúp hầu hết các dòng thuế xuất khẩu rau quả và dư địa để tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả và sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Dư địa thị trường lớn, năng lực sản xuất cũng lớn, nhưng thách thức của rau quả Việt Nam khi xuất khẩu chính là việc đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường. Khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam là thiếu thông tin nhu cầu thị trường và tiếp cận kênh phân phối của các nước nhập khẩu.

“Đáng nói là nhiều loại quả tiềm năng, nhưng chưa được các thị trường cấp phép nhập khẩu hoặc không đáp ứng được quy định khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Với các thị trường khác, việc xuất khẩu rau quả tươi gặp trở ngại vì thời gian vận chuyển lâu, khó bảo quản, trong khi đó các sản phẩm qua chế biến còn chiếm tỷ lệ thấp”, ông Hòa nhận xét.

Để thúc đẩy xuất khẩu rau quả, ông Hòa cho rằng người sản xuất và xuất khẩu phải tích cực đổi mới phương thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Song song đó, đẩy mạnh chế biến rau quả, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản.

XUẤT KHẨU THỦY SẢN BẮT HỒI PHỤC MẠNH Ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho hay: Sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 1 vì tháng đó có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, bước sang nửa đầu tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản tăng 42% so với cùng kỳ. Ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2023 đạt khoảng 662 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Xu hướng xuất khẩu trong tháng 2/2023 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ với mức tăng khiêm tốn 4% chưa phản ánh xu hướng hồi phục vì năm 2022, Tết Nguyên đán diễn ra vào đầu tháng 2.

 

"Sau khi mở cửa, xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực. Trong tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 33% lên 122 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 158 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái",

Bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông VASEP.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó cá tra vẫn giảm sâu 38% đạt 240 triệu USD, tôm giảm 37% đạt 350 triệu USD, cá ngừ giảm 27% đạt 113 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá biển có xu hướng tích cực hơn với tăng trưởng 6% mỗi loại, đạt lần lượt 103 triệu USD và 273 triệu USD.

Thị trường Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục trong tháng 2, nên xuất khẩu vẫn giảm lần lượt 35% và 8% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 164 triệu USD, giảm 53%, sang EU giảm 32% đạt 123 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc, các nước CPTPP và một số thị trường khác cũng có xu hướng khả quan hơn. Riêng Hàn Quốc tăng 26% nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 2, khối CPTPP tăng 14%. Tuy nhiên, do giảm mạnh trong tháng 1 nên kết quả 2 tháng đầu năm sang các thị trường này vẫn bị thấp hơn so với cùng kỳ băm trước.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 5,7%, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất - Ảnh 1

“Nhu cầu của các thị trường đang có xu hướng dần hồi phục, nhất là thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường nhỏ khác. Nguồn nguyên liệu thủy sản (tôm, cá tra) cũng sẽ tăng trong tháng tiếp theo, do vậy xuất khẩu trong tháng 3 và những tháng 4 sẽ tăng dần trở lại so với những tháng đầu năm”, bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông VASEP nhận định.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới. Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Chuẩn bị tổ chức Đoàn công tác làm việc với Hải quan Nam Ninh, Hải quan Vân Nam Trung Quốc để kết nối, xúc tiến thương mại; cập nhật, tháo gỡ các vướng mắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản. Chuẩn bị tổ chức Diễn đàn xuất khẩu rau quả trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần 5 chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau hoa quả Việt Nam (Hortex Vietnam 2023) vào đầu tháng 3/2023.