14:00 10/01/2022

Xuất khẩu nông sản sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA

Quảng Tuệ

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào châu Âu đã tăng vọt từ con số 3,7 tỷ USD năm 2020 lên 5,59 tỷ USD năm 2021, tăng trưởng tới 51%. Đây có thể coi là thành quả rất lớn từ tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực từ tháng 8/2020…

Cà phê là một trong những mặt hàng có lợi thế ở thị trường châu Âu.
Cà phê là một trong những mặt hàng có lợi thế ở thị trường châu Âu.

Nếu như năm 2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu mới chỉ chiếm 8,98%, thì năm 2021 đã lên đến 11,5% trong tổng kim ngạch toàn ngành. Châu Âu hiện là thị trường lớn thứ 3 của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, sau châu Á và châu Mỹ.

CƠ HỘI LỚN CHO MẶT HÀNG GẠO

Nhìn lại năm 2021, xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính vào EU đạt kim ngạch khoảng 2,45 tỷ USD; kim ngạch nhóm lâm sản và thủy sản đạt hơn 2 tỷ USD. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính vào EU, cà phê chiếm 42,2%, hạt điều: 33%, cao su: 7,9%, rau quả: 7,8%; hạt tiêu: 7,4%; gạo: 1,7%...

 

Xuất khẩu nông sản sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA - Ảnh 1

Riêng với mặt hàng gạo, trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị EU bị áp thuế 45%. Thậm chí một số nước trong khối áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn.

Tuy nhiên, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU đã dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm sau 5 năm.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định, nhờ đó, trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo sang EU đạt khoảng 54 nghìn tấn, tương đương 38 triệu USD, tăng 0,8% về lượng nhưng tăng tới 21,6% về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Giống thị trường Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường cao cấp khác, người tiêu dùng EU ưa chuộng các giống gạo chất lượng cao như: gạo thơm, gạo hạt dài, gạo đặc sản.

“Gạo tuy không phải là thực phẩm chính tại EU, song thị trường này vẫn có nhu cầu nhất định với một số sản phẩm, đặc biệt là các loại gạo dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Thời gian tới, xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây.

Một lý do nữa khiến Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu gạo sang EU là bởi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Trung Quốc chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Nếu Việt Nam khai thác tốt thị trường này, thì riêng sản phẩm gạo tấm có thể xuất khẩu 100.000 tấn vào EU mỗi năm”, Cục Xuất nhập khẩu dự báo.

NHIỀU NÔNG SẢN ĐÃ TẬN DỤNG TỐT ƯU ĐÃI

Nhờ EVFTA, cà phê xuất khẩu sang EU đã có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là một cơ hội tốt cho cà phê Việt Nam khi EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Với trị giá xuất khẩu đạt 939 triệu USD trong 11 tháng năm 2021, EU cũng đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Xuất khẩu nông sản sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA - Ảnh 2

Với ngành hàng điều, trước khi EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng điều nhân vẫn hưởng ưu đãi là 0% khi xuất sang EU, nhưng điều chế biến sâu vẫn chịu thuế từ 7 đến 12%.

Theo cam kết trong EVFTA, những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0%. Vì vậy, dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh nhưng sản lượng và giá trị xuất khẩu điều sang EU vẫn tăng trưởng tốt.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, cho thấy trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt điều sang EU đạt 122 nghìn tấn, tương đương 734 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; đồng thời, EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Với ngành hàng cao su, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất không có lợi thế mới vì thuế suất đã ở 0% trước khi EVFTA ký kết. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3%-4,5% trước đây. Băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5%. Đây là động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su sang EU đạt khoảng 100 nghìn tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng mạnh 72,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Với mặt hàng rau quả, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa,…) được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU đạt 173 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ưu đãi từ EVFTA cũng đã được các doanh nghiệp ngành xuất khẩu hồ tiêu tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 40 nghìn tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng mạnh 63,9% và trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.<

 
 
&Ocirc;ng L&ecirc; Thanh H&ograve;a,&nbsp;Ph&oacute; Cục trưởng Cục Chế biến v&agrave; Ph&aacute;t triển thị trường n&ocirc;ng sản (Bộ N&ocirc;ng nghiệp v&agrave; Ph&aacute;t triển n&ocirc;ng th&ocirc;n)
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Mặc dù Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, nhưng EU cũng đang đàm phán hiệp định thương mại với các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của “người đi trước” để tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do các thủ tục giấy tờ phức tạp. Vì vậy, việc cải thiện quy trình, thủ tục là điều rất quan trọng.

Vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU. Mặc dù xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường EU tăng trưởng mạnh trong năm 2021, nhưng đây cũng là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao với nông, thủy sản nhập khẩu, nên số lô hàng bị cảnh báo ở thị trường này cũng tăng mạnh.

Theo quy định mới được Ủy ban châu Âu ban hành liên quan tới kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, từ ngày 23/11/2021, nhiều loại nông sản Việt Nam sang EU đã được thông báo tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật. Tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với rau mùi ta, rau mùi tây, húng quế, bạc hà, đậu bắp và hạt tiêu tươi nhập khẩu từ Việt Nam là 50%. Với những loại trái cây khác, như thanh long, tần suất kiểm tra là 10%. Vì vậy, để tận dụng tốt các lợi thế ở thị trường EU, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần tăng cường chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này.