16:59 01/03/2007

Xuất khẩu thời WTO: “Ba nhóm hàng đã đến ngưỡng!”

Thùy Linh thực hiện

Phỏng vấn ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Quản lý kinh tế Trung ương

"Nhìn một cách tổng thể là xuất khẩu 2007 sẽ tăng nhưng không quá đột biến" - Ảnh: VnMedia.
"Nhìn một cách tổng thể là xuất khẩu 2007 sẽ tăng nhưng không quá đột biến" - Ảnh: VnMedia.
Phỏng vấn ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, trong đó có đóng góp rất lớn của xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng tình với quan điểm đó, xuất khẩu trong những năm tới chắc chắn sẽ có những bước đột phá, có nhiều lý do để nói điều đó.

Bởi lẽ vào WTO có nghĩa là cơ hội tiếp cận thị trường được mở rộng hơn rất nhiều, ở đây có hai nghĩa về mở rộng thị trường, một là đối với những thị trường hiện nay Việt Nam đang khai thác. Sau khi gia nhập WTO, do được hưởng quy chế tối huệ quốc, chắc chắn hàng rào ngăn cản hàng hóa cũng giảm, từ đó xuất khẩu sẽ tăng theo.

Bên cạnh đó, vì bản thân các doanh nghiệp trong chừng mực nhất định, nhất là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI..., đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho WTO nên ngay sau khi vào WTO, các doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời họ có thể mở ra một số thị trường mới. Điều đó khiến chúng ta kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng tương đối mạnh mẽ trong năm 2007.

Tuy nhiên vẫn có những khó khăn có thể sẽ tác động tới xuất khẩu Việt Nam, ví dụ xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng của khu vực và thế giới, tăng trưởng này năm tới được dự đoán có thể giảm đôi chút đặc biệt là các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản...

Nhìn một cách tổng thể là xuất khẩu 2007 sẽ tăng nhưng không quá đột biến. Xuất khẩu Việt Nam trong vòng 5 năm tới có thể sẽ tăng từ 16% lên khoảng 20%.

Một điểm nữa khiến xuất khẩu tăng, đó là khu vực FDI ngày càng thể hiện là khu vực dịch vụ và định hướng xuất khẩu rất tốt, điều này cũng đã được thể hiện trong vài năm qua khi mà xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng có phần đóng góp không nhỏ của khu vực FDI.

Các doanh nghiệp đang lo ngại việc hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên nhằm cản trở việc xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, như: dệt may, da giày...?

Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lường trước và có biện pháp tránh.

Việt Nam là nước có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và trên thực tế chúng ta đã có tốc độ phát triển xuất khẩu vào hàng nhanh trong các nước đang phát triển. Điều này được thể hiện ở một số mặt hàng tương đối nhạy cảm của các nước phát triển như: dệt may, giày dép, thủy sản.... Nó liên quan đến công ăn việc làm của người lao động, điều này cần phải rất thận trọng bởi nhiều khi xuất khẩu tăng ồ ạt quá cũng không phải là tốt.

Bởi lẽ, chúng ta đều biết rằng đồng thời với việc thông qua PNTR thì Mỹ lại xem xét hàng năm phải giám sát dệt may Việt Nam do lo sợ dệt may sẽ ồ ạt vào Mỹ. Nếu tăng nhanh chóng ồ ạt và chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường của họ thì họ có thể đặt vấn đề kiện cáo. Do họ sợ tăng quá nhanh và không kịp điều chỉnh cũng như có tác động trực tiếp tới người lao động.

Còn nữa, chúng ta đều biết những mặt hàng như: nông sản hay công nghiệp chế biến, các nước này cũng có thể dùng những biện pháp TBT hay SBS để hạn chế xuất khẩu tức là các biện pháp kỹ thuật hoặc là những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhưng nếu nhìn về dài hạn thì điều này lại là tích cực bởi nó sẽ gây sức ép buộc các doanh nghiệpViệt Nam phải cải thiện xây dựng lại tiêu chuẩn Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông những nhóm mặt hàng nào của Việt Nam sẽ “nổi lên” trong năm nay bởi các mặt hàng truyền thống như: dệt may, da giày, cao su, dầu thô..., đều được đánh giá là đã tăng trưởng tới ngưỡng kịch trần?

Nhìn vào thực tiễn và những đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, chúng ta có thể thấy sẽ có 3 nhóm mặt hàng nổi lên rất rõ:

Thứ nhất là loại mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế so sánh đó là tài nguyên thiên nhiên, đất đai, lao động, các mặt hàng nông sản như: gạo, café, điều, cao su, dệt may, đồ gỗ...

Thứ hai là công nghiệp với một số ngành công nghiệp nặng mà trước đây được bảo hộ rất lớn, đòi hỏi vốn cao, trong tương lai gần khó có thể đem lại sự cạnh tranh. Tuy nhiên để phát triển mạnh xuất khẩu nó đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ và của cả doanh nghiệp.

Thứ ba là mặt hàng có triển vọng là điện tử với các thương hiệu như Hanel, Fujitsu, Canon... với các sản phẩm điện tử gia dụng, phần mềm. Tuy nhiên để phát triển mạnh được thì cần phải có sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, bởi lĩnh vực phần mềm cũng có những khó khăn, đặc biệt về sở hữu trí tuệ, nguồn nhân lực yếu về đào tạo và năng lực ngoại ngữ.

Bên cạnh sự gia tăng về xuất khẩu, nhập khẩu chắc chắn cũng tăng do từ trước tới nay ta thâm hụt thương mại cả hàng hóa và dịch vụ. Những dịch vụ liên quan tới chất lượng cao Việt Nam luôn nhập khẩu nhiều hơn.

Hàng hóa nhập khẩu, phần lớn chúng ta vẫn thâm hụt khoảng 4-5 tỷ USD/năm, chủ yếu là do nhập nguyên vật liệu để sản xuất. Do sản xuất phụ thuộc đầu vào nguyên liệu lên nhập khẩu chắc chắn sẽ rất lớn. Nhất là những mặt hàng nhập khẩu liên quan đến công nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư của khu vực FDI tăng nó sẽ kéo theo luồng nhập khẩu cũng tăng theo.

Thời gian tới, nhập khẩu chắc chắn vẫn lớn bởi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam là công nghiệp chế biến nên vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Việc Việt Nam mở cửa mạnh mẽ hơn nữa chắc chắn cũng sẽ tác động rất lớn tới nhập khẩu.

Việc các doanh nghiệp Việt Nam phải đương đầu với các vụ kiện chống bán phá giá là điều khó có thể tránh khỏi nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO và các mặt hàng đều đã dỡ bỏ quota. Theo ông, các doanh nghiệp sẽ phải làm gì trước thực tế này?

Nếu đọc văn kiện WTO thì sẽ thấy xử lý tranh chấp trong WTO xem ra có vẻ rất công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế gần đây có rất nhiều vụ kiện chống bán phá giá và những biện pháp tự vệ.

Nhìn chung các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam bao giờ cũng yếu thế hơn, lý do là năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, kém từ luật lệ, hiểu biết Việt Nam hóa bản địa, ngoại ngữ.. Bên cạnh đó xử kiện kéo dài và tốn kém. Giả sử nếu nước ngoài có thắng kiện thì trong WTO cho phép nước thua được trả đũa, nhưng với chúng ta thực lực còn yếu nên rất khó dùng biện pháp này.

Như vậy chuyện trông chờ vào thắng kiện là rất khó, do vậy mà tốt hơn hết là các doanh nghiệpViệt Nam cần phải tự bảo vệ mình, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh các vụ kiện gây tốn của hao lực mà không giải quyết được gì.

Một thực tế nữa là do Việt Nam là nước xuất khẩu mạnh nên khả năng chúng ta bị kiện hay bị trả đũa có thể sẽ tăng trong vài năm tới. Để tránh các vụ kiện, các doanh nghiệp cần phải biết vận động hành lang pháp lý, gắn kiện cáo với các vấn đề khác như ngoại giao, thuê đào tạo lực lượng chuyên về luật, kể cả thuê luật sư. Cái quan trọng nhất các doanh nghiệp phải quan tâm tới sổ sách, kế toán, theo dõi thông tin, phối hợp công bố thông tin...