10:15 30/03/2023

11 thủy điện tại Thanh Hóa mỗi năm đóng góp 500 tỷ cho ngân sách

Thiên Anh

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng thủy điện tương đối dối dào, chủ yếu tập trung trên dòng chính sông Mã và các phụ lưu: sông Chu, sông Luồng, sông Lò, suối Sim, suối Xia cùng các sông, suối nhỏ khác như sông Khao, suối Luông, suối Hối…

Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng thủy điện khá dồi dào
Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng thủy điện khá dồi dào

Với diện tích lưu vực và lưu lượng tương đối lớn, dòng chảy có độ dốc cao, hệ thống sông suối tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng khai thác, phát triển thủy điện với công suất 800 MW-900 MW, với sản lượng hàng năm khoảng 3 tỷ Kw/h.

BỨC TRANH TOÀN CẢNH VỀ CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN TẠI THANH HÓA

Sau hơn 10 năm quá trình khảo sát, nghiên cứu lập bổ sung và điều chỉnh quy hoạch (2005-2017) đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2 Quy hoạch thuỷ điện: Quy hoạch bậc thang sông Mã và Quy hoạch thủy điện nhỏ (toàn quốc) gồm 21 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, đến nay Quy hoạch bậc thang thuỷ điện sông Mã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 9 dự án, gồm: trên sông Mã 7 dự án: Trung Sơn, Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước I, Bá Thước II, Cẩm Thuỷ I, Cẩm Thuỷ II); trên sông Chu 2 dự án: (Cửa Đạt và Xuân Minh).

Từ 2016, để khai thác, phát huy hết tiềm năng thủy điện trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu từ một số dự án thủy điện nhỏ bậc thang sông Luồng, sông Lò, sông Khao...

Sau quá trình xem xét, thẩm định nội dung quy hoạch từng dự án, lấy ý kiến đã được Bộ Công Thương quyết định bổ sung quy thêm 9 dự án thủy điện nhỏ, gồm: Trung Xuân, Sơn Lư, Tam Thanh (bậc thang sông Lò); Bản Khả, Mường Mìn, Sơn Điện, Nam Động 1, Nam Động 2 (bậc thang sông Luồng) và Xuân Khao (sông Khao).

Các dự án thủy điện được đề xuất quy hoạch đảm bảo tuân thủ “không chiếm dụng quá 10 ha đất các loại, không di dời quá 01 hộ dân đối với 01 MW lắp máy”.

THỦY ĐIỆN ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC VÀO CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Lũy kế tính từ năm 2007 đến nay đã có khoảng 23.000 tỷ đồng (không tính phần thủy lợi DA hồ chứa nước Cửa Đạt) đầu tư vào các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Với nguồn vốn và hoạt động đầu tư từ các dự án thủy điện trong những năm vừa qua đã góp phần trong tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh nói chung và đặc biệt góp phần đáng kể vào tăng trưởng giá trị sản xuất tại các địa bàn các huyện miền núi như: Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước còn nhiều khó khăn trong thu hút các dự án sản xuất công nghiệp.

Các nhà máy thủy điện tỉnh Thanh Hóa trung bình hàng năm cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 3 tỷ kwh (trên 70% tổng tiêu dùng điện năng của toàn tỉnh Thanh Hóa); góp phần trong việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định và giá thành rẻ lên hệ thống điện, đồng thời việc có nguồn năng lượng thủy điện sẽ giúp hệ thống lưới điện của tỉnh ổn định hơn, tạo điều kiện để thu hút phát triển các loại hình năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời, điện gió…

Các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (thông qua các khoản như thuế VAT, phí dịch vụ môi trường rừng, thuế tài nguyên nước, thuế thu nhập doanh nghiệp...).

Hiện tại, với 11 nhà máy đã phát điện như đã nêu trên, hàng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh Thanh Hóa khoảng 500 tỷ đồng; làm tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp và phát triển hạ tầng tại các địa phương, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân. Với mức thu phí dịch vụ môi trường rừng 36 đồng/kwh thì hàng năm đối với 11 dự án thủy điện đã vận hành đóng góp vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng khoảng 80 tỷ đồng. 

Các dự án thủy điện có dung tích hữu ích; nhất là các dự án có hồ chứa lớn như Thủy điện Cửa Đạt và Thủy điện Trung Sơn ngoài khả năng phát điện còn có chức năng thủy lợi; có vai trò tác dụng lớn trong việc phòng chống lũ, làm chậm lũ, giảm lũ và đồng thời điều tiết cấp nước cho vùng hạ du, góp phần giảm thiểu hiện tượng xâm nhập mặn của nước biển tại khu vực ven biển.

Một số dự án thủy điện như: Trung Sơn, Cửa Đạt, Bá Thước đã được Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án.

Dự án TĐ Trung Sơn còn quan tâm thực hiện các hợp phần nâng cao sinh kế cho người dân; các hộ dân tái định cư được hỗ trợ cung ứng giống cây trồng, giống con, thức ăn chăn nuôi, vật tư, máy móc nông cụ, đào tạo nghề bước đầu ổn định cuộc sống, hình thành các cộng đồng dân cư mới khang trang, sạch đẹp có chất lượng sống bền vững hơn.

VỪA PHÁT HUY TIỀM NĂNG THỦY ĐIỆN, VỪA GÌN GIỮ “ĐIỆU HÒ SÔNG MÔ

Khi thực hiện các dự án thủy điện thì ảnh hưởng đến diện tích đất, rừng là điều không thể tránh khỏi (do các hoạt động mở đường thi công và vận hành, phát dọn lòng hồ, mặt bằng thi công, tích nước hồ chứa…).

Trong số các dự án thủy điện đã được triển khai (không kể dự án hồ Cửa Đạt) có tổng diện tích chiếm đất khoảng 4.517 ha đất các loại; trong đó, bao gồm khoảng 101 ha đất ở, 197 ha đất trồng lúa; 494 ha đất vườn, đất mầu, 1.747 ha đất rừng sản xuất, 1.978 ha đất bãi sông, suối.

Việc triển khai các dự án thủy điện làm giảm một phần đất đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, ảnh hưởng đến sinh kế người dân miền núi, sống ven sông, ven suối có nguồn sinh kế chính từ sản xuất nông, lâm nghiệp. 

Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh khoảng 8.680 hộ; trong đó, số hộ thực hiện tái định cư khoảng 940 hộ, 4.230 khẩu; ảnh hưởng về đất đai và khối lượng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân, tái định cư chủ yếu tập trung tại các dự án thủy điện lớn trên dòng chính sông Mã như: Trung Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1.

Do quỹ đất tại địa bàn các huyện miền núi như Quan Hóa, Mường Lát hạn chế, các khu tái định cư chủ yếu xây dựng trên cơ sở bạt các quả đồi, độ dốc cao, san lấp các vị trí gần mép sông, dễ sạt trượt, mất an toàn do mưa lũ nên việc thi công các khu tái định cư rất khó khăn, tiến độ chậm ảnh hưởng đến sự ổn định đời sống của người dân. 

Trong hành lang thoát lũ của một số hồ chứa thủy điện (nhất là các dự án ở cuối hạ du sông Mã như Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1) còn đông dân cư sinh sống, công trình nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, bải thãi đất đá lòng sông gây cản trở khả năng thoát lũ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình, vùng hạ du khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ.

Trong các đợt lũ lớn năm 2017, 2018 tại các dự án Thủy điện Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1 (mặc dù thực hiện đúng theo các quy trình được phê duyệt) tuy nhiên mực nước hồ chứa dâng cao làm ngập đến các diện tích đất đai ngoài mốc giải phóng mặt bằng dẫn đến ảnh hưởng an sinh của người dân vùng dự án và các chủ đầu tư phải tiếp tục công tác kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. 

Nhìn một cách tổng thể, với 11 dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã vận hành phát điện đem lại những kết quả tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền núi và cho tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên vẫn còn có dự án thi công chậm (như Thủy điện Hồi Xuân) và còn có một số hạn chế, bất cập như đã nêu ở trên. Vì vậy, quan điểm của UBND tỉnh là không nói “không” với các dự án thủy điện, nhưng cũng không khuyến khích, thu hút các dự án thủy điện ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Nhìn chung, 07 dự án thủy điện được quy hoạch trên dòng chính sông Mã từ Cẩm Thủy lên đến Trung Sơn ở địa hình sông độ dốc cao, dòng chảy xiết giao thông thủy rất hạn chế, nên không ảnh hưởng nhiều đến nền văn hóa “điệu hò sông Mã’’ của tỉnh Thanh.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu trong báo cáo tác động môi trường của dự án Thủy điện Trung Sơn việc quy hoạch, xây dựng các dự án thủy điện bậc thang sông Mã cũng không ảnh hưởng nhiều đến văn hóa, bản sắc lâu đời của các cộng đồng dân tộc, các giống loài đặc hữu, khu vực bảo tồn sinh thái. Một số loài cá sông Mã có tập quán di cư ngược dòng như cá lăng, cá măng, cá ngạnh… di chuyển sang tuyến sông Bưởi phụ lưu để sinh sản, bảo tồn.