09:16 17/01/2023

400 triệu m3 cát biển giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu làm đường cao tốc

Anh Tú

Cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải sẽ công bố kết quả việc sử dụng cát biển sử dụng đắp nền thi công cao tốc và các công trình hạ tầng quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, với điều kiện khai thác thuận lợi có thể đạt mục tiêu 400 triệu m3...

Nghiên cứu sử dụng cát biển có thể giải quyết tình trạng khan hiếm và đội giá cát sông cho các dự án đường bộ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như tại các công trình khác.
Nghiên cứu sử dụng cát biển có thể giải quyết tình trạng khan hiếm và đội giá cát sông cho các dự án đường bộ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như tại các công trình khác.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải về tình hình nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp cho các dự án cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Bá Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết hiện phải tiến hành đồng thời nhiều dự án giao thông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây là vùng hết sức khó khăn với nhu cầu khoảng 40 triệu m3 cát. Ngoài ra, nhu cầu cát làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 lên tới hàng trăm triệu m3.

Trong khi đó, qua khảo sát, nguồn cát từ khai thác cát lòng sông chỉ đáp ứng được khoảng 55 - 60% cho các công trình. Chính vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng cát biển là vật liệu xây dựng được đặt ra rất cấp bách. 

CẤP BÁCH TÌM VẬT LIỆU THAY THẾ

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá tiềm năng khai thác cát biển rất lớn, theo sơ bộ khoảng 13,9 tỷ tấn khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng riêng ở Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi nhất.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nguồn vật liệu đắp nền (cát, đất…) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long " để đánh giá tài nguyên cát biển.

 

"Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ có kết quả trong tháng 8/2023 và đến tháng 12 báo cáo toàn bộ tài nguyên trữ lượng giai đoạn 1 ven bờ ở độ sâu dưới 10m, với điều kiện khai thác thuận lợi có thể đạt mục tiêu 400 triệu m3 và đáp ứng ngay nhu cầu những đoạn tuyến cấp bách thi công đường cao tốc và các công trình hạ tầng quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long”, ông Kiên nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp rất phổ biến trên thế giới.

Quốc gia láng giềng Trung Quốc mỗi năm khai thác từ 1,8- 2,5 tỷ m3 phục vụ cho các công trình hạ tầng. Còn các quốc gia khác như Singapore, Canada, Hà Lan…. lại nhập khẩu nhiều.

Riêng với Việt Nam, thời gian vừa qua, đặc biệt từ năm 2004 đến nay, nhiều địa phương ven biển cấp phép khai thác cát biển làm vật liệu san lấp các công trình, chủ yếu từ 1- 5km cách bờ biển và độ sâu dưới 10m, có thể kể đến như các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Kiên Giang…

Không chỉ khắc phục vấn đề khan hiếm, nghiên cứu sử dụng cát biển có thể giải quyết tình trạng "đội giá" cát xây dựng và cát san lấp mặt bằng khiến nhiều công ty, đơn vị trúng thầu đang thi công công trình, dự án đứng ngồi không yên như thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng được đánh giá tương đối tốt và chưa phát hiện có sự thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ nhiễm mặn của môi trường nền ở khu vực đó.

Chia sẻ lo lắng với các địa phương khi có đoạn tuyến đi qua sử dụng đến đâu và sử dụng đến mức nào việc dùng cát biển đắp nền đường, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cùng với các bộ, ngành, để vừa tiến hành nghiên cứu thực hiện, vừa có hệ thống quan trắc, kịp thời khẳng định được việc thay đổi môi trường nền, đặc biệt độ mặn của khu vực có tuyến đường liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải để thực hiện tốt nhiệm vụ này, từ đó có nguồn tài nguyên cát phục vụ cho các nhiệm vụ trước mắt của ngành giao thông vận tải cũng như dự án hạ tầng khác của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển, khi gặp khó khăn về điều kiện sử dụng vật liệu xây dựng thông thường.

Báo cáo tình hình triển khai vật liệu triển khai hai dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường cần khoảng 18,5 triệu m3. Trong đó, năm 2023, nhu cầu vật liệu cho hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 khoảng gần 12 triệu m3.

Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Còn lại các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có văn bản gửi các tỉnh hỗ trợ giới thiệu, xác định vị trí mỏ vật liệu thuận lợi nhất để giới thiệu, cấp phép khai thác trực tiếp cho nhà thầu, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án.

NHIỀU DỰ ÁN CŨNG XIN RÚT NGẮN THỦ TỤC CẤP PHÉP MỎ VẬT LIỆU

Thông tin thêm về việc gỡ khó về vấn đề thiếu vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia sắp tới, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt trong thời gian qua theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải cũng như các bộ, ban ngành khác để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 nghị quyết, đó là Nghị quyết 60 và sau đó là Nghị quyết 113 cho phép nâng công suất khai thác tối đa đến 50% các mỏ vật liệu xây dựng được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp theo thời gian vừa qua.

"Nhờ có 2 nghị quyết này và các địa phương vào cuộc, phần lớn các khó khăn ban đầu về cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình ngành giao thông vận tải nói riêng và các công trình khác trên toàn quốc sẽ được tháo gỡ", ông Kiên nói.

Đặc biệt, sau khi có nghị quyết của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu xin ý kiến các bộ, ban, ngành ban hành Văn bản số 1411 ngày 18/3/2022 và Văn bản số 6172 ngày 17/10/2022 để hướng dẫn các bộ, ban, ngành, các địa phương áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết Quốc hội.

Đây là một quyết sách rất lớn của Quốc hội, Chính phủ cho phép triển khai các chương trình này trong giai đoạn 2022-2023 có thể đáp ứng được yêu cầu rất cấp bách.

 

"Bởi nếu tiến hành các thủ tục thông thường phải điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác trữ lượng, lập dự án đầu tư báo cáo đánh tác động môi trường, thủ tục cấp phép, đền bù giải phóng mặt bằng, bồi thường kéo dài nhanh nhất cũng 6 - 8 tháng, có những địa phương khó khăn, phải kéo dài 1-2 năm", ông Kiên thông tin.

Tuy nhiên, do Nghị quyết Quốc hội chỉ cho phép các chương trình, dự án đầu tư nằm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mới được áp dụng cơ chế đặc thù.

Còn các dự án không nằm trong danh mục các dự án chương trình phục hồi vẫn phải tiến thành theo các quy định bình thường, về khảo sát thăm dò, khai thác.

Ông Kiên cho biết thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được rất nhiều ý kiến đề nghị các dự án xin được áp dụng cơ chế đặc thù như nghị quyết Quốc hội.

"Chính phủ đang tập hợp đề xuất, tuy nhiên, nghị quyết này chỉ áp dụng trong năm 2022-2023 với thời gian rất ngắn, tôi cho rằng trước mắt, các đơn vị cố gắng tập trung cải cách hành chính, tổ chức thực hiện tốt trong công việc này", ông Kiên lưu ý.