12:11 22/12/2021

703 triệu tấn hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam trong năm 2021

Anh Tú

Năm 2021, hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt hơn 703 triệu tấn giữ vững đà tăng, trong đó, hàng container có sự tăng trưởng khả quan 6%...

Vận tải biển tăng trưởng ấn tượng bất chấp đại dịch.
Vận tải biển tăng trưởng ấn tượng bất chấp đại dịch.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải vừa diễn ra, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh, năm 2021 dù hoạt động hàng hải chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, nhưng tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.

Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 184 triệu tấn, tăng 4%. Hàng nội địa đạt gần 303 triệu tấn, tăng 5%. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có sự khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu TEUs, tăng tới 12% so với năm trước. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời...

Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có nhịp tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54%, đạt gần 5 triệu tấn so với năm 2020. Các mặt hàng chủ yếu vận tải trên các tuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu.

 
“Sự hiệu quả trong khai thác cảng biển giúp Việt Nam thu hút được khoản đầu tư rất lớn từ nguồn xã hội hóa. Trong tổng số 250.000 tỷ đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng hải trong 10 năm qua, nguồn vốn xã hội hóa huy động được chiếm tới 84%”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá, nhờ hệ thống cảng rộng khắp đã hình thành được mạng lưới vận tải ven biển nội địa. Từ đó, góp phần kéo giảm số lượng hàng hóa bằng đường bộ, giảm áp lực cho đường bộ và phát huy lợi thế phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành rẻ, thân thiện môi trường.

Cũng nhờ hệ thống cảng biển phát triển, từ Việt Nam, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp trên các tuyến vận tải biển đi các nước nội Á.

Nhờ có sự đột phá về cảng biển, năng lực đón tàu lớn nhất trên thế giới của cảng biển, chúng ta đã có được tuyến vận tải biển xa từ các cảng cửa ngõ như: Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải đi bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, châu Âu.

Đối với công tác xây dựng thể chế, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Cục Hàng hải ngay từ năm 2022 phải rà soát Bộ Luật Hàng hải Việt Nam để có thể sửa đổi, đổi mới toàn diện, phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng phát triển của ngành hàng hải, đáp ứng yêu cầu đặc biệt của chiến lược phát triển kinh tế biển.

Cũng trong năm 2021, quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt. Quy hoạch mới tập trung phát triển các cảng trọng điểm, cảng cửa ngõ, xóa dần các cảng nhỏ lẻ nằm trong đất liền, sát khu đô thị không phù hợp phát triển. Từ đó, hình thành các cụm cảng kết nối với nhau, kết nối với đường thủy, đường bộ, đường sắt.

Quy hoạch tập trung phát triển hai khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) để trở thành các cảng trung chuyển quốc tế. 

Theo đó, quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ - 1,4 tỷ tấn. Trong đó, hàng container từ 38 - 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.