ADB dành 9 tỷ USD giúp các nước đang phát triển tiếp cận vaccine Covid-19
Quỹ APVAX của ADB sẽ mang đến khuôn khổ toàn diện và nguồn lực để hỗ trợ Châu Á đang phát triển tiếp cận vaccine
Ngày 11/12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ra mắt Quỹ Tiếp cận Vaccine Châu Á và Thái Bình Dương (APVAX) trị giá 9 tỷ USD để hỗ trợ nhanh chóng và công bằng cho các quốc gia thành viên đang phát triển trong việc mua và phân phối vaccine Covid-19.
"Khi các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB chuẩn bị tiêm chủng cho người dân càng sớm càng tốt, họ cần nguồn tài trợ để mua vaccine cũng như những kế hoạch và tri thức phù hợp để có khả năng quản lý quá trình tiêm chủng một cách an toàn, công bằng và hiệu quả. APVAX sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp các quốc gia thành viên đang phát triển của chúng tôi đáp ứng những thách thức này, vượt qua đại dịch và tập trung vào phục hồi kinh tế", ông Masatsugu Asakawa, chủ tịch ADB, cho biết.
QUỸ APVAX 9 TỶ USD
Theo ADB, APVAX sẽ mang đến một khuôn khổ toàn diện và nguồn lực để hỗ trợ Châu Á đang phát triển tiếp cận vaccine với hai cấu phần chính.
Cấu phần Ứng phó nhanh sẽ cung cấp hỗ trợ kịp thời cho hoạt động kiểm định, mua và vận chuyển vaccine từ nơi mua tới các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB.
Cấu phần Dự án đầu tư sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư vào những hệ thống nhằm phân phối, cung cấp và quản lý hiệu quả vaccine, cùng với các hoạt động đầu tư liên quan trong việc xây dựng năng lực, tiếp cận cộng đồng và giám sát. Nội dung này có thể bao gồm các lĩnh vực như lưu trữ và vận chuyển đông lạnh, phương tiện, cơ sở hạ tầng phân phối, cơ sở xử lý, và các khoản đầu tư công trình khác. Cấu phần này cũng có thể được sử dụng để xây dựng hoặc mở rộng năng lực sản xuất vaccine ở các quốc gia thành viên đang phát triển.
Tài trợ của ADB cho vaccine sẽ được cung cấp với sự điều phối chặt chẽ cùng các đối tác phát triển khác, bao gồm Nhóm Ngân hàng thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ chế Tiếp cận toàn cầu vaccine (COVAX), GAVI và các đối tác thương mại song phương và đa phương khác.
APVAX sẽ thúc đẩy việc tiếp cận vaccine an toàn và hiệu quả theo cách thức công bằng. Cụ thể, để một vaccine đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ, nó phải đáp ứng một trong ba tiêu chí: Được mua thông qua COVAX, được chứng nhận chất lượng trước bởi WHO hoặc được ủy quyền bởi một Cơ quan quản lý dược chặt chẽ.
Các tiêu chí bổ sung về tiếp cận, ví dụ như đánh giá nhu cầu tiêm chủng, kế hoạch phân bổ vaccine bởi quốc gia thành viên đang phát triển, và một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các đối tác phát triển cũng giúp bảo đảm hỗ trợ về vaccine trong khuôn khổ APVAX có thể được triển khai công bằng và hiệu quả.
LOẠT SÁNG KIẾN HỖ TRỢ CHỐNG DỊCH COVID-19
Bên cạnh đó, ADB cũng đang chuẩn bị ra mắt Quỹ Nhập khẩu vaccine trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia thành viên đang phát triển trong việc bảo đảm vaccine an toàn và hiệu quả, cũng như mặt hàng hỗ trợ việc phân phối và chủng ngừa. Quỹ này là một phần của Chương trình Tài trợ chuỗi cung ứng và thương mại của ADB. Các khoản bảo lãnh AAA có sẵn thông qua quỹ nhập khẩu vaccine của chương trình sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thanh toán và tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng này.
Quỹ này cũng áp dụng các tiêu chuẩn về tính hợp lệ đối với vaccine giống như COVAX. Việc đồng tài trợ với các đối tác thuộc khu vực tư nhân có thể dẫn tới việc Quỹ nhập khẩu hỗ trợ 1 tỷ USD cho các hoạt động nhập khẩu vaccine và các mặt hàng liên quan trong một năm.
Trước đó, hồi tháng 4, ADB đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 20 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển khắc phục những tác động của đại dịch và tinh giản một số quy trình thủ tục nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh hơn và linh hoạt hơn. ADB cam kết 14,9 tỷ USD dưới hình thức các khoản vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm 9,9 tỷ USD hỗ trợ ngân sách giải ngân nhanh từ chương trình Giải pháp ứng phó đại dịch COVID (CPRO) và hỗ trợ cho khu vực tư nhân.
Trong tháng 11, ADB cũng công bố hỗ trợ kỹ thuật bổ sung trị giá 20,3 triệu USD để thiết lập các hệ thống nhằm cho phép phân phối vaccine công bằng và hiệu quả trên khắp Châu Á và Thái Bình Dương.
Cũng trong ngày 11/12, ADB công bố khoản hỗ trợ 600.000 USD bằng hiện vật cho Chính phủ Việt Nam để chống đại dịch Covid-19. Viện trợ không hoàn lại này đến từ hai khoản hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ Hỗ trợ Kỹ thuật Đặc biệt của ADB. Khoản thứ nhất cung cấp đồ bảo hộ cá nhân trị giá 500.000 USD cho Bệnh viện Phổi Quốc gia thuộc Bộ Y tế. Khoản thứ hai giúp nâng cấp trang thiết bị trị giá 100.000 USD cho Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) thuộc Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.
Tính đến nay, châu Á Thái Bình Dương đã ghi nhận hơn 14,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 200.000 người thiệt mạng. ABD dự báo tăng trưởng kinh tế ở Châu Á đang phát triển được dự giảm 0,4% trong năm 2020 do tác động của đại dịch. Đây là lần đầu tiên khu vực này ghi nhận GDP giảm kể từ đầu thập niên 1960.